COVID-19 trên thế giới tuần qua: Mỹ duyệt vaccine cho trẻ từ 6 tháng tuổi; Bắc Kinh có ổ dịch mới

Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 11 đến ngày 18/6, thế giới ghi nhận 3,8 triệu ca mắc và gần 9.000 ca tử vong vì COVID-19. Hai diễn biến liên quan đại dịch đáng lưu ý nhất tuần qua là Mỹ phê duyệt vaccine cho trẻ từ 6 tháng tuổi và Bắc Kinh có ổ dịch mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 9 giờ sáng 18/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu từ đầu đại dịch là trên 543,6 triệu ca, trong đó có 6,33 triệu người tử vong.

Trong tuần qua, trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 giảm 0,9%, số ca tử vong giảm 8% so với tuần trước đó.

Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong tuần qua (gần 700.000 ca mắc), đồng thời cũng là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong tuần qua (1.910 ca).

Tiếp đó là Đức với trên 3.000 ca mắc và 283 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 283.000 ca mắc và 1.043 ca tử vong trong tuần qua.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với gần 88 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,03 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43,2 triệu ca mắc và trên 524.800 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 31,6 triệu ca mắc và trên 6.900 ca tử vong.

Mỹ phê duyệt vaccine của Pfizer và Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine COVID-19 tại điểm tiêm chủng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/6, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và Moderna (cùng của Mỹ) sản xuất cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi - nhóm tuổi cuối cùng đang chờ được tiêm chủng ngừa COVID-19 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, FDA đã phê duyệt sử dụng loại vaccine 2 liều của Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong khi phác đồ tiêm vaccine do Pfizer bào chế đối với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi là 3 mũi.

Trong một tuyên bố, Giám đốc FDA Robert Califf cho biết: "Nhiều bậc phụ huynh, người bảo trợ và các nhân viên y tế đã chờ đợi có được loại vaccine (ngừa COVID-19) cho lứa trẻ nhỏ tuổi này và quyết định phê duyệt sẽ giúp bảo vệ các em nhỏ từ 6 tháng tuổi trước nguy cơ dịch bệnh. Chúng tôi hy vọng rằng các loại vaccine này có thể giúp bảo vệ các em trước những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của COVID-19, chẳng hạn như nhập viện và tử vong".

Theo quy trình, sau khi FDA cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị về các loại vaccine này trước khi triển khai tiêm chủng. Các khuyến nghị này sẽ được CDC Mỹ công bố sau cuộc họp của một ủy ban cố vấn gồm các chuyên gia khoa học trong thời gian sắp tới.

Mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ cho biết ngay sau khi FDA đưa ra quyết định trên, 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna đã lập tức được điều phối trên toàn quốc, trong khi hàng triệu liều tiếp theo cũng đã sẵn sàng triển khai.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Houston, bang Texas, Mỹ ngày 7/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14/6 cho biết tính đến ngày 11/6, có tới hơn 21% số ca mắc COVID-19 tại nước này là do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5.

Tiến sĩ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine của phòng khám Mayo ở Rochester, bang Minnesota (Mỹ) cho biết ông đang quan ngại về sự lây lan của các dòng phụ này. Theo ông, dữ liệu từ Nam Phi cho thấy các dòng phụ có khả năng phá vỡ khả năng miễn dịch, có được nhờ việc tiêm vaccine hoặc do các lần lây nhiễm trước đó.

Tiến sĩ Poland nhấn mạnh việc tiêm vaccine hoặc lây nhiễm trước đó có thể cung cấp sự bảo vệ chống lại nguy cơ tử vong hoặc bị bệnh nặng, song với khả năng "né tránh miễn dịch", BA.4 và BA.5 có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm trong mùa Hè, khi trẻ em quay trở lại trường học và hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường vaccine thứ 2 giảm đi.

Trung Quốc: Bắc Kinh kiểm soát ổ dịch mới liên quan một quán bar

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 16/6 cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 liên quan ổ dịch tại quán bar ở thành phố này đã giảm sau khi nhà chức trách triển khai xét nghiệm hàng triệu người và dừng một số hoạt động kinh doanh giải trí.

Người phát ngôn chính quyền thành phố Bắc Kinh Xu Hejian cho biết: "Sau 8 ngày đấu tranh gian nan và nỗ lực chung của người dân Bắc Kinh trong cuộc chiến chống dịch bệnh, các biện pháp nhanh chóng và kiên quyết đã có hiệu quả". Người phát ngôn này nêu rõ đợt bùng phát dịch liên quan quán bar Heaven Supermarket đã giảm, song cảnh báo vẫn tồn tại khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Ổ dịch trên bùng phát chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế trên diện rộng áp dụng từ hơn 1 tháng qua để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong thành phố. Tổng cộng 351 ca mắc được ghi nhận kể từ khi ổ dịch này bùng phát ngày 9/6 vừa qua.

Hàn Quốc gia hạn quy định cách ly 7 ngày đối với bệnh nhân COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn thêm 4 tuần quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với bệnh nhân COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp về ứng phó với dịch bệnh sáng 17/6, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết mức độ lây nhiễm dịch bệnh hiện tại ở nước này đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nhà chức trách vẫn quan ngại nguy cơ lan truyền dịch bệnh và số ca tử vong vì COVID-19 chưa giảm nhiều.

Theo ông Han, nếu nới lỏng quy định về số ngày cách ly, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và quy mô thiệt hại có thể gia tăng, chính vì vậy chính phủ tiếp tục gia hạn áp dụng quy định cách ly đối với bệnh nhân COVID-19.

Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch đánh giá lại tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 sau mỗi 4 tuần và sẽ quyết định có dỡ bỏ quy định cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 hay không.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc duy trì ở mức dưới 10.000 ca trong một tuần qua trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này đang nỗ lực khôi phục cuộc sống thường nhật như trước đại dịch. Hàn Quốc đã bãi bỏ hầu hết các quy định về phòng dịch COVID-19 trừ việc bắt buộc cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 và đeo khẩu trang trong không gian kín.

Italy kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm COVID-19 trong mùa Hè

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại siêu thị ở Rome, Italy, ngày 1/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 17/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri tuyên bố nước này đang "kiểm soát được làn sóng lây nhiễm COVID-19 mùa Hè", bởi vì “trái ngược với năm ngoái, phần lớn người dân Italy hiện đã tiêm đủ liều vaccine và có tới 70% dân số đã tiêm mũi tăng cường”.

Phát biểu trên đài phát thanh Radio Cusano Campus, Thứ trưởng Sileri cho biết: "Italy đang phải đối mặt với BA.5 - một biến thể phụ của Omicron, tuy dễ lây nhiễm hơn nhưng không gây khó khăn cho các bệnh viện. Mọi thứ sẽ trong tầm kiểm soát".

Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình TG2 Italia, một thứ trưởng khác của Bộ Y tế Italy là ông Andrea Costa nhấn mạnh rằng quyết định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, trừ khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện và nhà dưỡng lão, công bố ngày 15/6 "là một bước tiến xa hơn giúp Italy tiến sát đến mức bình thường: đạt được mục tiêu sống chung với COVID-19, trong bối cảnh 'không COVID' là một mục tiêu không thể đạt được".

Thứ trưởng Costa nêu rõ: "Sống chung với COVID-19 có nghĩa là cho phép các bệnh viện tiếp tục các hoạt động bình thường. May mắn là tính đến ngày 16/6, số liệu về số ca nhập viện ở mức khả quan, mặc dù số ca nhiễm mới vẫn gia tăng".

Trong báo cáo giám sát COVID-19 hằng tuần, tổ chức nghiên cứu y tế GIMBE cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Italy tăng 32,1% trong tuần từ ngày 8-14/6 so với tuần trước đó, trong khi số ca tử vong cũng tăng 6,1%. Tuy nhiên, số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu đã giảm 16,4% và số người phải nhập viện giảm 3,3%.

Đức chuẩn bị kế hoạch đối phó với nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Munich, miền Nam Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/6, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết nước này đang tích cực chuẩn bị kế hoạch đối phó với nguy cơ bùng phát làn sóng đại dịch COVID-19 mới trong mùa Hè và mùa Thu tới.

Bộ trưởng Lauterbach nhận định, một làn sóng lây nhiễm mới hoàn toàn có thể xảy ra trong mùa Hè này. Kinh nghiệm từ Nam Phi cho thấy, dù nhiệt độ mùa Hè ở mức cao nhưng các biến chủng Omicron vẫn lây lan nhanh chóng. Do đó cần phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lauterbach cũng thể hiện sự lạc quan do nước Đức đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với mọi tình huống.

Theo Bộ trưởng Lauterbach, Bộ Y tế Đức đã xây dựng một kế hoạch 7 điểm, gồm: chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng với nhiều loại vaccine khác nhau trong mùa Thu tới; mở rộng trở lại hoạt động xét nghiệm COVID-19 để mọi người dân đều có thể tiếp cận; mở rộng cung cấp thuốc điều trị COVID-19; tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; từ tháng 9 sẽ cung cấp thông tin hàng ngày về số lượng giường bệnh có sẵn để tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân COVID-19; không để xảy ra tình trạng phải đóng cửa trường học, nhà trẻ một lần nữa; tiến hành sửa đổi luật bảo vệ chống nhiễm khuẩn cho phù hợp tình hình dịch bệnh. Bộ trưởng Lauterbach tin tưởng kế hoạch này sẽ giúp đối phó tốt với đại dịch trong những tháng tới; đồng thời, loại vaccine phòng bệnh hiệu quả sẽ được phát triển thành công, đưa COVID-19 trở thành bệnh truyền nhiễm bình thường như các bệnh khác.

Về việc tiêm mũi vaccine thứ tư cho nhóm người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, Bộ trưởng Lauterbach khuyến cáo nên tiếp tục tiêm phòng vì mũi vaccine này làm giảm nguy cơ biến chứng nặng và kéo dài. Theo Bộ trưởng Lauterbach, ngay cả những người chưa bị nhiễm COVID-19 và đã tiêm 3 mũi vaccine cũng nên cân nhắc tiêm chủng mũi thứ 4, nếu người đó thuộc nhóm có nguy cơ cao. Các trung tâm tiêm chủng sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân tiêm chủng.

Tây Ban Nha dự kiến tiêm mũi vaccine thứ 4 cho toàn dân

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias ngày 16/6 tuyên bố nước này sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho toàn dân, có thể là vào cuối năm nay.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tư nhân La Sexta, Bộ trưởng Darias nêu rõ: “Sẽ có liều vaccine thứ 4 cho toàn dân”. Bà cho biết thêm rằng thời điểm bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 vẫn chưa được Bộ Ytế Tây Ban Nha quyết định, song có khả năng sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm 2022, khi có các loại vaccine mới, được điều chỉnh để chống lại những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tương tự nhiều quốc gia khác, Tây Ban Nha đã tiêm mũi vaccine thứ 4 cho nhóm người cao tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, với 93% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ liều.

Từ tháng 3/2022, Tây Ban Nha bắt đầu coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu - loại bệnh nhẹ hơn, thường xuyên xảy ra như bệnh cúm - và chuyển khỏi hệ thống theo dõi chi tiết đã được áp dụng khi đại dịch bùng phát.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Mỹ phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Ngày 17/6, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và Moderna (cùng của Mỹ) sản xuất cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi - nhóm tuổi cuối cùng đang chờ được tiêm chủng ngừa COVID-19 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN