Trước đó, tại cuộc họp đặc biệt ở thủ đô Brussels (Bỉ), các bộ trưởng y tế EU đã nhất trí tăng cường sự chuẩn bị và phối hợp giữa các nước nhằm ngăn chặn virus nCoV lây lan khắp châu Âu. Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides đã nói rằng EU hiện không xem xét cấm người Trung Quốc vào khu vực Schengen và họ nên tin tưởng vào các biện pháp được các nước thành viên và Trung Quốc thực hiện để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 (nCoV).
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Trung Quốc hoan nghênh sự nhất trí trên và cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy hợp tác cũng như phối hợp để đối phó với dịch bệnh. Theo ông, kể từ khi bùng phát dịch bệnh, giới chức Trung Quốc và EU đã liên lạc và hợp tác chặt chẽ và Bắc Kinh muốn bày tỏ lời cảm ơn vì sự hỗ trợ của EU và các nước thành viên. Quan chức ngoại giao này cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục trao đổi thông tin và hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế một cách minh bạch, cởi mở và có trách nhiệm.
Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ của nước này đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 (nCoV).
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Mahathir bày tỏ tin tưởng vào các nỗ lực của cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như của Chính phủ Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn, vượt qua cũng như hạn chế tối thiểu tác hại của dịch bệnh. Hai bên cam kết duy trì liên lạc chặt chẽ nhằm phối hợp đối phó với dịch bệnh đang bùng phát này.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng ra tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc chống lại dịch COVID-19 (nCoV). Tuyên bố của SCO hoan nghênh các biện pháp kiên quyết của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc chống lại dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết và tăng cường hợp tác chặt chẽ với nước này. SCO kêu gọi cộng động quốc tế tăng cường phối hợp trong khuôn khổ WHO để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng khu vực và quốc tế. SCO cũng bày tỏ tin tưởng rằng dịch bệnh COVID-19 (nCoV) sẽ được ngăn chặn một cách hiệu quả và triệt để thông qua sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa tất cả các bên.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Philippines cùng ngày cho biết nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với du khách đến từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Trước đó, hôm 10/2, Philippines đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với công dân Trung Quốc đại lục, mở rộng đối với cả cư dân thuộc 3 vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Đài Loan, Hong Kong và Macau.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 (nCoV) đang diễn biến phức tạp với 63.851 ca nhiễm bệnh và 1.0 người tử vong chỉ riêng tại Trung Quốc đại lục (tính đến hết ngày 13/2). Ngày 14/2, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cho biết Hong Kong sẽ giải ngân 4,7 tỷ dollar Hong Kong (tương đương 605 triệu USD) hỗ trợ ngành y tế trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Bà cũng công bố các biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân.
Cũng trong cùng ngày, Nhật Bản đã nâng mức khuyến cáo đi lại đối với người dân nước này đến thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc lên cấp độ 3, đồng nghĩa "tránh mọi hoạt động đi lại", do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi viện dẫn tỷ lệ nhiễm virus COVID-19 (nCoV) cao tại thành phố trên và việc giới chức sở tại đã bắt đầu hạn chế đi lại bên trong Ôn Châu là lý do để Tokyo đưa ra quyết định nêu trên. Ngoài ra, khuyến cáo đi lại của Nhật Bản đối với người dân nước này tới tỉnh Hồ Bắc, đang là tâm dịch, vẫn duy trì ở cấp độ 3 trong khi các khu vực còn lại của Trung Quốc ở mức độ 2, đồng nghĩa "tránh hoạt động đi lại không cần thiết".