CSIS thông báo về Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) sẽ tổ chức Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 vào ngày 12/7 tới.

Đây là diễn đàn để giới chuyên gia, học giả của Mỹ cũng như các nước trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 năm 2016 do Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS tổ chức sẽ diễn ra trong một ngày và được chia làm 4 phiên thảo luận chính gồm: vấn đề pháp lý và các bước đi tiếp theo ở Biển Đông; tình hình Biển Đông trong năm 2016; quân sự hóa và xây dựng năng lực ở Biển Đông; và vấn đề môi trường. Các chuyên gia, học giả sẽ thảo luận về những vấn đề tồn đọng từ lâu cũng như các diễn biến mới nổi thời gian gần đây tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới này, đồng thời thời đánh giá về những tác động địa chiến lược đối với khu vực. Đặc biệt, lần đầu tiên hội thảo của CSIS có một phiên thảo luận về những thiệt hại đối với môi trường và hệ sinh thái Biển Đông bắt nguồn từ những hoạt động tăng cường quân sự mới đây.

Hội thảo Biển Đông thường niên năm 2016 được dư luận đặc biệt quan tâm vì sự kiện này diễn ra đúng ngày Toà Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Phân xử Biển Đông: Dự đoán các bước đi và biện pháp đối phó tiếp theo” cũng do CSIS tổ chức hôm 20/6 vừa qua, các học giả đã đưa ra những phân tích và dự báo về phán quyết của PCA đối với vụ kiện của Philippines, trong đó phần lớn các chuyên gia CSIS đều nhận định kịch bản dễ xảy ra nhất là PCA sẽ bác bỏ “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 sẽ thu hút sự tham gia của các chuyên gia-học giả hàng đầu và các quan chức cấp cao tới từ Mỹ, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Malaysia, trong đó có Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành CSIS John Hamre; Cố vấn cấp cao kiêm Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS Murray Hiebert; ông Henry Bensurto - Tổng Lãnh sự Philippines tại San Francisco; Giáo sư Erik Franckx - Ủy viên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trưởng khoa Luật quốc tế và châu Âu, Đại học Vrije (Bỉ); Giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Australia và Shen Dingli, Phó Viện trưởng Viện Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc).


Đại diện của Việt Nam tham dự cuộc hội thảo năm nay là PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao. Ngoài ra, cuộc hội thảo cũng sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan và Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink. Dự kiến, ông Kritenbrink sẽ có bài phát biểu đáng chú ý tại hội thảo.

TTXVN/Tin Tức
ASEAN cần đoàn kết sau phán quyết PCA về Biển Đông
ASEAN cần đoàn kết sau phán quyết PCA về Biển Đông

Thediplomat.com nhấn mạnh Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 49 sẽ tạo áp lực cho các quốc gia ASEAN có quan điểm không đồng thuận về vấn đề Biển Đông trước sức ép của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN