Nếu từng xem bộ phim Mũi đất số 7 (Cape No. 7) của đạo diễn Ngụy Đức Thánh (Đài Loan, Trung Quốc) hẳn bạn sẽ không quên câu mà nhân vật nam chính Aga nói với người yêu Tomoko: “Em có thể ở lại hoặc đi cùng anh”.
Nhưng rốt cuộc vì không nỡ để cha mẹ vò võ ngóng tin con nơi quê nhà và thực tế cũng không đủ dũng khí để làm vậy, Aga và Tomoko đành ôm hận li biệt, mỗi người một phương. Hơn 50 năm trước, cụ bà Hoàng Ngọc Mai ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Cô gái Hoàng Ngọc Mai khi xưa... |
...và cụ bà Hoàng Ngọc Mai ngày nay. |
Câu chuyện bắt đầu từ những bức thư động viên từ hậu phương gửi ra tiền tuyến. Đó là năm 1951, cũng như bao thanh niên khác, chàng trai Ngô Cầm Trai (nay ở quận Đại An, thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã hưởng ứng lời hiệu triệu của tổ quốc tòng chinh, tham gia vào đoàn quân chí nguyện đánh Mỹ viện Triều.
Đảm nhiệm công tác thông tin ở Bộ tư lệnh, Ngô Cầm Trai được cấp trên giao thêm việc trả lời những bức thư chứa chan tình cảm quê hương dành cho các chí nguyện quân ngoài mặt trận.
Trong vô vàn bức thư, không hiểu do duyên trời định đặt, năm 1954, một bức thư không kí tên đến tay Ngô Cầm Trai, không ngờ nó lại dệt lên câu chuyện tình đẹp như phim và không có hồi kết.
Người viết bức thư ấy chính là cô sinh viên 20 tuổi Hoàng Ngọc Mai. Sau đó, dù bom rơi đạn nổ, khói lửa chiến tranh, nhưng tất cả chẳng thể ngăn được cánh thư này đi, phong thư kia lại.
Cứ như vậy trong 3 năm liền, tình cảm và những lời động viên của Hoàng Ngọc Mai đã làm ấm lòng người chiến sĩ Ngô Cầm Trai trên nẻo đường chinh chiến xa quê hương đất nước. Tới nay dù đã 83 tuổi, nhưng cụ ông Ngô Cầm Trai vẫn nhớ như in lần đầu tiên hai người gặp nhau.
“Đó là ngày 30/9/1956, theo lệnh của tổ chức, hôm sau tôi phải có mặt ở thành phố Trùng Khánh (gia nhập đơn vị mới), nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để tới Hán Khẩu (một địa danh ở thành phố Vũ Hán)”.
Mục đích không ngoài việc tìm ra địa chỉ của Hoàng Ngọc Mai, gặp người yêu. Sau đó, hai người đến công viên Trung Sơn ở Vũ Hán. Ngồi trên ghế đá, tim nặng chữ yêu, nhưng giữa họ tịnh không một lần chạm vào cơ thể nhau dẫu chỉ là một cái nắm tay.
Do thời gian gấp rút, nên Ngô Cầm Trai vào thẳng vấn đề luôn, bày tỏ hi vọng Hoàng Ngọc Mai có thể đi theo mình đến Tứ Xuyên xây dựng gia đình. Vốn đã chuẩn bị sẵn hai vé tàu đi Trùng Khánh, anh lính Ngô Cầm Trai chất chứa hi vọng người yêu sẽ gật đầu đồng ý.
Nhưng vì chưa từng nghĩ đến việc sẽ phải rời xa cha mẹ, Hoàng Ngọc Mai đã từ chối. Hai người đành phải đối mặt với sự xa cách dù vẫn giữ liên lạc với nhau.
Năm 1959, Ngô Cầm Trai kết hôn. Cuối năm 1958, Hoàng Ngọc Mai cũng lên xe hoa, 16 năm sau thì chồng mất. Năm 1967, khi tới Vũ Hán công tác, Ngô Cầm Trai đã đến gặp người yêu cũ lần cuối.
Hiện nay, chàng lính trẻ Ngô Cầm Trai khi xưa đã bước sang tuổi 83, còn vợ ông cũng ngoài 80. Hai người có con có cháu và sống rất hạnh phúc.
Ở tuổi 77, cụ bà Hoàng Ngọc Mai vẫn day dứt với quyết định năm xưa. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, cuối cùng cụ cũng quyết định nhờ con trai nhắn tin trên mạng tìm lại người yêu đầu đời. Nhờ sự giúp đỡ và kết nối của phóng viên tờ Hoa Tây Đô thị báo, cụ bà Hoàng Ngọc Mai đã thỏa nguyện.
Qua điện thoại, họ vẫn run run khi nghe giọng của nhau. Qua thăm hỏi, biết được cụ ông Ngô Cầm Trai sống hạnh phúc, cụ bà Hoàng Ngọc Mai rất yên tâm. Họ để lại số điện thoại, địa chỉ liên lạc và tiếp tục hi vọng sẽ lại nhận được những bức thư gửi nhau. “Đợi lúc xuân sang, khi hoa nở, tiết trời ấm áp, khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, tôi sẽ đến thăm bà ấy”, cụ ông Ngô Cầm Trai tâm sự.
Phương Linh