Địa điểm bỏ phiếu là 226 Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại nước ngoài. Hai địa điểm không tổ chức bỏ phiếu do các vấn đề liên quan tới an ninh là Đại sứ quán Nhật Bản tại Sudan và Venezuela.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, tính đến ngày 3/7 đã có khoảng 101.000 người Nhật Bản đăng ký bỏ phiếu tại nước ngoài, trong đó riêng Hàn Quốc là 2.500 người. Từ 9h30 sáng 5/7, những địa điểm như Đại quán Nhật Bản ở Seoul đã mở cửa cho người dân tới bỏ phiếu. Người Nhật tại nước ngoài có thể đăng ký bỏ phiếu theo khu vực mà trước khi người đó xuất cảnh.
Ngày 15/7, Nhật Bản sẽ đóng các hòm phiếu tại nước ngoài. Sau đó, các hòm phiếu này sẽ được chuyển về nước để mở công khai vào ngày 21/7, cùng với các hòm phiếu trong nước.
Ngoài việc đăng ký bỏ phiếu tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài, người Nhật ở nước ngoài cũng có thể đăng ký bỏ phiếu ở trong nước bằng cách gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Thông tin chi tiết về bầu cử và cách đăng ký bỏ phiếu được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ, Truyền thông Nhật Bản.
Ngày 4/7, Nhật Bản đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử Thượng viện. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy có hơn 360 ứng cử viên sẽ ra tranh cử để giành 124 ghế tại Thượng viện, trong đó có 74 ghế sẽ được lựa chọn từ 47 khu vực bầu cử theo phương pháp phổ thông đầu phiếu và 50 ghế sẽ được bầu theo phương pháp đại diện tỷ lệ các đảng.
Hiện liên minh đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) và đảng Công minh đang giữ hơn 2/3 số ghế ở Hạ viện nhưng chưa có đủ 2/3 ghế ở Thượng viện. Vì vậy, LDP hy vọng liên minh cầm quyền sẽ giành tối thiểu 2/3 số ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới để có thể thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội. Với việc vẫn còn 70 Thượng nghị sỹ đang tại vị, liên minh cầm quyền sẽ phải giành thêm ít nhất 53 ghế trong cuộc bầu cử sắp tới để hiện thực hóa mục tiêu này.