Hơn 30 năm sau khi thành lập Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến mở cửa với thế giới, Trung Quốc có thêm một cánh cửa mới để kết nối sâu rộng hơn với thương mại toàn cầu, đó là Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải).Ngày 29/9 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức khai trương Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải). Tiêu điểm quan tâm chú ý của dư luận nằm ở lĩnh vực cải cách tài chính, gồm tự do chuyển đổi đồng nhân dân tệ (NDT) trong tài khoản vốn, thị trường hóa lãi suất.
Ngày 29/9, Trung Quốc chính thức thành lập Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do ở Thượng Hải. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, phải thấy rằng đây là khu tự do thương mại chứ không phải khu tự do tài chính. Hơn nữa, việc tự do chuyển đổi đồng NDT trong tài khoản vốn và thị trường hóa lãi suất hoàn toàn liên quan tới vấn đề an ninh tài chính. Cho nên, việc nhiều quan chức của Trung Quốc nhấn mạnh tới tiền đề “rủi ro có thể kiểm soát” là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Mở cửa gió sẽ thổi vào, mở cửa rộng hơn, gió có thể sẽ lớn hơn và không loại trừ khả năng có những “cơn gió” kiểu “đánh nhanh, rút nhanh”, gây chấn động thanh khoản trên thị trường.
Hiện nay, dư luận phổ biến cho rằng Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải) sẽ tiếp nối Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến (thành lập vào năm 1980) xây dựng hình mẫu về cải cách kinh tế tổng thể của Trung Quốc trong giai đoạn mới. Đó là giai đoạn mà những lợi thế của việc gia nhập “Tổ chức Thương mại Thế giới” (WTO) mất dần khi các nước không ngừng hạ thuế suất và Trung Quốc phải đối mặt với sự xuất hiện của hết hiệp định thương mại khu vực này đến hiệp định thương mại khu vực khác, trong đó có “Hiệp định Quan hệ Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương” (TTIP) và “Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TTP). Những hiệp định thương mại khu vực này được kí kết có thể sẽ đẩy Trung Quốc ra ngoài lề thị trường quốc tế, không chỉ thiệt hại về thương mại, mà còn tác động tiêu cực tới sự nghiệp phát triển của Trung Quốc.
Mong muốn kết nối sâu rộng hơn nữa với thương mại toàn cầu của Trung Quốc thông qua việc thành lập Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải) được thể hiện rõ khi nước này công bố danh mục cấm trong Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải). Nói một cách ngắn gọn, danh mục đó phát đi thông điệp rõ ràng rằng những gì chính quyền cấm thì không được làm, ngoài những gì không được làm thì đều có thể làm.
Trong một phát biểu được tờ “Nhật báo Kinh tế” của Hong Kong ngày 1/10 trích dẫn, Phó Giám đốc Học viện Thương mại HSCB thuộc đại học Bắc Kinh Khổng Anh cho biết trên thế giới hiện có hơn 70 quốc gia thực hiện chế độ danh mục cấm trong lĩnh vực quản lý đầu tư. Việc Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải) cũng áp dụng chế độ này cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm kết nối sâu hơn với quốc tế.
Ở một khía cạnh khác, Tổng cố vấn Tả Tiểu Lôi của công ty Chứng khoán Galaxy cho rằng việc đưa ra danh sách cấm không chỉ mang tới không gian đầu tư tự do hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn tiết kiệm thời gian thẩm duyệt dự án của chính quyền.
Trước đây, chính quyền thực hiện quản lý từ đầu, lấy việc thẩm duyệt các hạng mục, dự án làm chính, giờ đây, chính quyền chuyển sang quản lý phía sau, nghĩa là thực thi chức năng quản lý sau khi các hạng mục, dự án đi vào thực hiện. Nếu căn cứ vào phát biểu của Cục trưởng Cục Thuế thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc Vương Vĩ rằng phương án tổng thể về Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải) dựa trên nguyên tắc “kinh nghiệm có thể sao chép, nhân rộng”, có thể dự đoán đây chính là dấu hiệu ban đầu của việc thúc đẩy chuyển đổi chức năng chính quyền ở Trung Quốc và phạm vi của nó sẽ không bó hẹp trong Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải).
Câu chuyện chuyển đổi chức năng chính quyền vì thế đã được chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Ngân hàng Credit Suisse, ông Đào Đông, coi là điểm sáng lớn nhất của Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải). Việc này rõ ràng cũng thể hiện mong muốn kết nối sâu rộng hơn với quốc tế của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thông qua quyết định thành lập Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải), Trung Quốc còn phát đi tín hiệu mở rộng cửa hơn nữa đối với ngành dịch vụ. Tăng cường sự đóng góp của ngành dịch vụ đối với GDP là xu hướng thời đại. Ở phần lớn các nước phát triển và thị trường mới nổi, ngành dịch vụ chiếm từ 55% - 60% GDP.
Đối với Trung Quốc, theo Ngân hàng Société Générale, việc chuyển trọng tâm vào việc phát triển ngành dịch vụ thông qua quyết định thành lập Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do Trung Quốc (Thượng Hải) sẽ có lợi cho việc nâng cao hiệu năng của toàn bộ nền kinh tế nước này.
Hà Ngọc (
P/v TTXVN tại Hong Kong)