Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, báo cáo tổng kết tại Mỹ Latinh cho thấy số lượng người lao động trong hệ thống giáo dục cơ sở (mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2) là 7 triệu người, tương đương 4% dân số trong độ tuổi lao động và hơn 20% số người lao động kỹ thuật và chuyên nghiệp của khu vực, trong đó có tới 75% là nữ giới và đa phần đã quá 40 tuổi - được coi là đang bị “già hóa”.
Nghiên cứu của WB chỉ rõ trung bình các giáo viên tại Mỹ Latinh chỉ dành 65% thời lượng đứng lớp để giảng dạy - tương đương với việc mất không một buổi học mỗi tuần. Ngoài ra, giáo cụ ít được sử dụng tại các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là trong các môn học về công nghệ tin học và truyền thông mới. Bên cạnh đó, các giáo viên trong khu vực cũng không áp đặt kỷ luật, duy trì sự chú ý của học sinh hay khuyến khích học sinh chủ động tham gia nội dung bài giảng.
Thể chế quốc tế cung cấp tài chính hỗ trợ phát triển này khẳng định không một nước nào ở Mỹ Latinh có đội ngũ giáo viên đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới, ngoại trừ Cuba.
Theo WB, Cuba là nơi xem “giáo dục là một trong những ưu tiên chính từ năm 1959 (năm Cách mạng thành công), với một hệ thống giáo dục hiệu quả và đội ngũ giáo viên trình độ cao”, đồng thời cũng là nước có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục cao nhất thế giới với 13% ngân sách.
Trước đó, WB cũng từng nhiều lần ca ngợi hệ thống giáo dục và chính sách xã hội nói chung của Cuba, với những thành tích nổi bật như là nước Mỹ Latinh đầu tiên xóa nạn mù chữ, quyền tiếp cận nước sạch và chăm sóc sức khỏe miễn phí từ cấp cơ sở cho toàn dân, một trong những có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất và tuổi thọ trung bình cao nhất khu vực.