Trong bối cảnh mô hình kinh tế - xã hội kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp không còn phát huy hiệu quả, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản (ĐCS) Cuba tháng 4/2011 đã thông qua chủ trương “cập nhật” mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Theo phân tích của các nhà kinh tế và cách giải thích trên báo chí Cuba, có thể hiểu khái niệm “cập nhật” mô hình kinh tế bao hàm những thay đổi theo hướng xóa bỏ dần bao cấp, tinh giảm biên chế, phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, mở cửa thị trường nội địa, coi trọng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển, đưa đất nước ra khỏi những khó khăn, hạn chế hiện nay, phát triển nhanh, bền vững, đồng thời bảo vệ vững chắc những thành quả mà Cách mạng Cuba đã đạt được trong hơn 50 năm qua.
Những quyết sách quan trọng đi vào thực tiễn
Sau Đại hội, ĐCS Cuba đã tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đại hội tại tất cả các địa phương, từ các cấp tỉnh, thành phố cho đến các quận, huyện và các chi bộ Đảng trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học… trong cả nước. Theo lộ trình “cập nhật mô hình kinh tế” vạch ra trong “Dự thảo đường lối chính sách kinh tế và xã hội” đã được Đại hội Đảng lần thứ 6 thông qua, trong 8 tháng qua, nhiều đổi thay đang diễn ra trên quốc đảo này.
Một ki ốt tư nhân bán quần áo ở trung tâm La Habana. |
Công tác khuyến nông với việc giao đất hoang cho nông dân, tăng giá thu mua nông phẩm, cắt giảm các bếp ăn tập thể, giảm dần bao cấp của nhà nước và xóa bỏ các chế độ miễn phí không hợp lý; cấp phép kinh doanh cho tư nhân, từng bước dỡ bỏ việc áp dụng hệ thống đồng tiền kép trong các giao dịch và thanh toán. Nhà nước cũng đã cho phép mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước, thực hiện chính sách thu thuế mới và áp dụng một số biện pháp khác với mục đích xóa bỏ dần việc tập trung hóa quá mức cũng như những hạn chế không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100.000 người sản xuất nhỏ ở nông thôn đã được giao đất để sản xuất và được phép bán sản phẩm ra thị trường. 1,3 triệu hécta trong tổng số 1,9 triệu hécta đất hoang hóa do nhà nước quản lý đã được giao cho các hộ nông dân, trong đó 79,2% đã được đưa vào canh tác. Và để tạo thuận lợi hơn cho nông dân, từ đầu tháng 8/2011 Chính phủ đã quyết định giảm giá của 150 loại thiết bị và vật tư nông nghiệp cần thiết trong canh tác với mức giảm cao nhất lên tới 70%. Quyết định trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của những người nông dân cá thể, và nhất là sau khi một loạt cuộc khảo sát trên thị trường cho thấy có rất nhiều sản phẩm được bày bán nhưng nông dân không thể mua được do giá đắt hơn nhiều so với khả năng của họ. Trung tâm Quản lý đất đai Quốc gia Cuba cũng đang nghiên cứu khả năng tăng thời gian cho nông dân sử dụng đất. Theo qui định hiện nay, các hộ nông dân cá thể chỉ được sử dụng đất canh tác trong thời gian tối đa là 10 năm và đối với các hợp tác xã thời gian qui định là 25 năm.
Liên quan đến việc mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, đến nay đã có hơn 350.000 người được cấp phép kinh doanh trong 181 ngành nghề và dịch vụ khác nhau và điều này đã đem lại một luồng gió mới trong hoạt động kinh tế. Chính phủ Cuba hy vọng tiến trình này sẽ tạo được nhiều việc làm cho xã hội, tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu lực lượng lao động tại các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Kết quả này cũng hỗ trợ cho chính phủ trong việc sắp xếp lại lực lượng lao động, cắt giảm khoảng 1,3 đến 1,5 triệu lao động dôi dư trong các cơ quan nhà nước. Theo số liệu chính thức, đến nay có khoảng 30% số người xin giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh từng làm trong khu vực nhà nước.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tự doanh phát triển, tăng hiệu quả sản xuất và thúc đẩy sức tiêu thụ nội địa, trong thời gian qua chính phủ Cuba cũng đã quyết định sửa đổi một số qui định quan trọng trong chính sách tín dụng và lĩnh vực bán lẻ. Từ đầu tháng 8, những người tham gia thành phần kinh tế tự doanh được phép mở tài khoản vãng lai (trước đây người dân Cuba chỉ được mở tài khoản tiết kiệm) để thực hiện các giao dịch. Những người lao động tự do và nông dân hoạt động sản xuất cá thể cũng sẽ được vay từ ngân hàng khoản tín dụng từ 3.000 peso (khoảng 120 USD) trở lên (trước đó, mức trần vay tín dụng chỉ là 3.000 peso) để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và sản xuất. Ngoài ra, tất cả các công dân Cuba có nhu cầu sửa chữa hoặc xây mới nhà cửa sẽ được quyền vay tin dụng từ mức 1.000 peso (40 USD) trở lên để mua vật liệu xây dựng. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Cuba đã có chủ trương cho các hộ gia đình tham gia mô hình kinh tế tự doanh được vay vốn để mở rộng kinh doanh, đồng thời những người làm nghề tự do cũng được phép trao đổi, giao dịch và cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, công ty, xí nghiệp quốc doanh theo giá thỏa thuận, chứ không nhất thiết phải theo giá quy định của nhà nước. Theo các chuyên gia kinh tế Cuba, những biện pháp trên đã bước đầu phát huy tác dụng, đem lại luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội ở nước này.
Những hiên nhà như thế này đang được người dân Cuba tham gia thành phần kinh tế tự doanh tận dụng để bán hàng. |
Trên nhiều tuyến phố ở Cuba giờ đây trở nên tấp nập hơn với các hoạt động mua sắm khi mà hàng loạt các cửa hàng kinh doanh của tư nhân mọc lên. Dọc phố Galiano ở trung tâm La Habana và các khu lân cận, chúng tôi thấy rất nhiều cửa hàng nhỏ của tư nhân bán quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình được làm thủ công. Cho dù chưa thực sự đa dạng về hình thức và mẫu mã, và chất lượng cũng ở mức vừa phải nhưng theo quan điểm của một số người mà chúng tôi tiếp xúc thì người dân Cuba đã có thêm những sự lựa chọn khác cho phù hợp với điều kiện tài chính của mình bởi vì không phải ai cũng có đủ tiền để mua đồ trong cửa hàng và siêu thị với giá cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, với những người bán hàng thì các chính sách mới của Chính phủ Cuba mang tính “nới lỏng thị trường” đã giúp cho họ có được nguồn thu ổn định hơn.
Chị Rosa Maria trước đây từng làm việc tại một cơ quan nhà nước với lương tháng hơn 400 peso (khoảng 20 USD) nhưng từ một năm trở lại đây chị quyết định nghỉ việc theo diện tinh giản biên chế và mở một “sạp” bán quần áo ngay trước cửa nhà ở phố Carlos III. Chị tâm sự rằng hàng tháng sau khi đóng các khoản thuế theo qui định thì gia đình cũng có thêm khoảng hơn 100 CUC (một loại ngoại tệ của Cuba, có tỷ giá 1 CUC = 0,9 USD), số tiền mà trước đây chị không dám nghĩ tới, và đó là khoản chính cùng với lương thợ máy của chồng để phục vụ chi tiêu hàng tháng cho gia đình 4 người của chị.
Trên thực tế, cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong suốt một thời gian do tác động của việc Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, nền kinh tế Cuba gặp vô vàn khó khăn, mọi nguồn lực đều phải tập trung để duy trì những chính sách xã hội như y tế, giáo dục và phân phối nhu yếu phẩm tối thiểu mà Chính phủ Cuba đã áp dụng kể từ khi cách mạng thành công năm 1959 đến nay. Chính vì vậy, cùng với việc Mỹ siết chặt bao vây cấm vận, hàng hóa tại các cửa hàng và siêu thị luôn khan hiếm khiến cho ngay cả những người Cuba có tiền (mà số này cũng không hề nhỏ bởi rất nhiều người Cuba thường xuyên nhận được tiền do người thân định cư ở nước ngoài gửi về) cũng chẳng biết tiêu gì. Giờ đây, khi tiến trình cập nhập mô hình kinh tế với những chính sách mang tính “cởi trói” đang được thực thi một cách đồng bộ thì các cửa hàng và siêu thị ở Cuba cũng trở nên phong phú hơn, nhiều mặt hàng mà trước đâu hầu như không có thì bây giờ đã xuất hiện khá nhiều như tivi LCD, đầu đĩa DVD, tủ lạnh, máy giặt, cho đến quần áo, giày dép. Trong thời gian gần đây có thể thấy ở tất cả các cửa hàng, siêu thị luôn tấp nập người ra vào và sức mua cũng không hề kém so với các nơi khác. Đặc biệt là vào dịp cuối năm này thì nhu cầu mua sắm của người Cuba tăng hơn hẳn.
Từ giữa năm 2011, chính phủ Cuba đã thông báo sẽ cho phép người dân được quyền mua bán, chuyển đổi bất động sản cũng như có quyền được mua bán ô tô theo những quy định mới phù hợp với thực tế hiện nay ở Cuba. Hàng nghìn cửa hàng bán vật liệu xây dựng đã được mở ở các địa phương, tạo điều kiện cho người dân có thể tự sửa chữa nhà cửa của mình mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước như trước đây. Theo thông báo mới đây của Viện Nhà ở Quốc gia Cuba (INV), sau khi các biện pháp trên chính thức có hiệu lực kể từ đầu tháng 11, đã có gần 400 thương vụ mua bán nhà giữa các cá nhân, cùng với gần 1.600 trường hợp hiến tặng và hơn 400 thỏa thuận đổi nhà được thực hiện. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn người tới các cơ sở của INV để tham khảo về các thủ tục chuyển nhượng, mua bán. Trong khi đó, số lượng ôtô được giao dịch cũng lên tới hàng nghìn chiếc. Nếu để ý có thể thấy trên đường phố ở Cuba không hề thiếu các dòng xe được liệt vào dạng “sang” mang biển vàng (biển tư nhân), đặc biệt là với Cuba, từ Toyota Camry, RAV 4, cho tới Audi, Mercedez…, cho dù số lượng này vẫn chưa thấm vào đâu so với “rừng” xe Mỹ cổ và các loại Lada, Volga, hay Moskovick của Liên Xô trước đây.