Tuyên bố trên tài khoản Twitter sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt hạn chế mới cho hoạt động gửi kiều hối từ nước này về Cuba, Ngoại trưởng Rodríguez chỉ trích việc Washington cố đổ lỗi cho La Habana về thất bại của mình trong việc lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, đồng thời khẳng định các biện pháp sẽ không thể khuất phục được ý chí nhân dân Cuba và càng làm tăng thêm sự phản đối toàn cầu chống lại cuộc bao vây, cấm vận đã kéo dài gần 6 thập kỷ qua.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba cũng cho rằng quyết định cấm vận mới này là một hành động mang tính cơ hội nhằm chia rẽ những người Cuba và do đó sẽ thất bại.
Trước đó, ngày 6/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ sửa đổi Quy chế Kiểm soát tài sản của Cuba, bao gồm các biện pháp ngăn chặn Chính phủ đảo quốc Caribe tiếp cận ngoại tệ, mà Washington tuyên bố là biện pháp trừng phạt do sự ủng hộ của Cuba đối với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Theo Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, các biện pháp bổ sung bắt đầu có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi được đăng trên Công báo Liên bang, nhằm cô lập tài chính của “chế độ Cuba”.
Theo thông báo, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp đặt giới hạn 1000 USD với mỗi lần kiều dân Cuba gửi tiền về nước cho người thân. Ngoài ra, cơ quan này cũng cấm chuyển tiền cho người thân của các quan chức bị cấm. Các quy định mới còn bao gồm xóa bỏ việc cho phép gửi tiền với hình thức viện trợ, nhưng tiếp tục cho phép gửi một lượng kiều hối có giới hạn cho một số cá nhân cụ thể và các tổ chức không trực thuộc chính phủ, nhằm khuyến khích sự gia tăng của khu vực lao động tư nhân không phụ thuộc vào nhà nước.
Ngoài ra, OFAC cũng xỏa bỏ việc cho phép các ngân hàng thuộc thẩm quyền pháp lý của Mỹ tiến hành thực hiện các giao dịch tiền tệ bắt nguồn và hoàn thành đều bên ngoài nước này, thường được biết đến như các “giao dịch chuyển hướng” hay “giao dịch vòng chữ U”. Theo đó, các ngân hàng Mỹ sẽ được cấp phép từ chối các giao dịch đó, nhưng không thể thực hiện chúng.
Quan hệ Cuba-Mỹ đã quay trở lại thế đối đầu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017 với tuyên bố sẽ đảo ngược quá trình tái lập quan hệ giữa hai nước do người tiền nhiệm Barack Obama khởi xướng. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa lệnh cấm vận kinh tế và tài chính chống lại quốc gia vùng Caribe, trong đó gần đây nhất là các biện pháp hạn chế gây tác động mạnh tới ngành du lịch - nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của “hòn đảo tự do”- và áp dụng hoàn toàn điều III của Luật Helms-Burton gây tranh cãi chống La Habana.