Từ sáng sớm, người dân Cuba đã xếp hàng dài trước “ngôi nhà” của nữ nghệ sĩ Alicia (Nhà hát lớn La Habana Alicia Alonso) và trên tay cầm những bông hoa Mariposa (loài hoa mang tên “Con bướm”, cũng là tên của vở diễn cuối cùng của bà trên sân khấu do chính bà dàn dựng hồi năm 1995) để chờ được vào tiễn đưa lần cuối người vũ công vĩ đại đã mang nghệ thuật trình diễn hàn lâm đến với mọi tầng lớp của người dân đảo quốc nhỏ bé. Đối với mỗi người dân Cuba, cái tên Alicia Alonso dường như đã trở thành biểu tượng của văn hóa, của nghệ thuật mà mỗi khi nhắc đến người ta đều dành cho bà sự biết ơn, tôn kính và yêu thương. Bà đã từ bỏ những sân khấu lớn của thế giới để trở về Tổ quốc và đặt nền móng cho những điệu múa ballet cổ điển mang bản sắc riêng của Cuba.
Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz-Canel đã dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao của đảng và nhà nước Cuba dự lễ tang người nghệ sĩ có những cống hiến to lớn cho nền văn hóa nước nhà và cả nền nghệ thuật thế giới.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Văn hóa Cuba Alpidio Alonso Grau nêu rõ nghệ sĩ Alicia đã tạo nên truyền thống, đã thành lập trường dạy múa ballet trong thời điểm khó khăn của đất nước. Sau chiến thắng của cuộc cách mạng, bà là tấm gương về sự gắn kết, là biểu tượng của văn hóa Cuba. Nghệ sĩ Alicia đã luôn và sẽ sống mãi trong trái tim của người dân đất nước này.
Sinh năm 1920 tại La Habana, nghệ sĩ Alicia Alonso, tên thật là Alicia Ernestina de la Caridad del Cobre Martínez del Hoyo đã sớm “bén duyên” với nghệ thuật múa ballet từ năm 9 tuổi. Tới năm 19 tuổi, khi bắt đầu trở thành một nữ diễn viên múa chính tại các vũ đoàn lớn, nghệ sĩ đã bị suy giảm thị lực và hầu như bị mù trong nhiều năm sau đó. Bất chấp những khó khăn đó, bà vẫn có một sự nghiệp biểu diễn rực rỡ kéo dài tới hơn 5 thập niên, trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất trong lịch sử ballet toàn thế giới.
Năm 1948, bà cùng với Fernando và Alberto Alonso thành lập vũ đoàn ballet chuyên nghiệp đầu tiên tại Cuba. Sau khi cách mạng Cuba do lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo thành công, bà trở thành giảng viên, biên đạo múa và giám đốc Nhà hát Ballet quốc gia Cuba. Năm 1964, nghệ sĩ Alicia đã cùng đoàn ballet Cuba đến biểu diễn ở Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón.
Năm 2000, bà được Hội đồng Nhà nước Cuba trao Huân chương Jose Marti, danh hiệu nhà nước cao quý nhất của đảo quốc này và vào năm 2015, Hội đồng Nhà nước Cuba cũng quyết định đổi tên Nhà hát lớn La Habana thành tên Nhà hát Alicia Alonso.
Không chỉ tại Cuba, nghệ sĩ Alicia Alonso còn được xem là một trong những biểu tượng lớn của ballet thế giới trong thế kỷ 20. Bà là nghệ sĩ thứ năm được Viện Âm nhạc Mỹ Latinh vinh danh là “Ngôi sao Thế kỷ”, nhưng lại là người duy nhất không phải là nhạc sĩ hay ca sĩ.