Các cuộc tham vấn, ý kiến nhân dân tại 35.000 địa điểm làm việc cũng như trong các cuộc họp cộng đồng sẽ được tiến hành trong suốt thời gian diễn ra quy trình này.
Mọi ý kiến đóng góp của người dân Cuba trong nước và ở nước ngoài đều được xem xét và đánh giá, đảm bảo một “quy trình dân chủ với sự tham gia xây dựng thực sự của nhân dân”. Các ý kiến và đề xuất được đưa ra dưới 4 hình thức bao gồm: sửa đổi, bổ sung, xóa bỏ và thắc mắc.
Với mục tiêu xử lý toàn bộ các thông tin được đưa ra trong các cuộc thảo luận, các nhóm làm việc ở các cấp thành phố, tỉnh và quốc gia đã được thành lập với phần lớn các thành viên là luật sư hoặc giáo sư.
Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Cuba, công dân Cuba ở nước ngoài sẽ bắt đầu tham gia thảo luận Dự thảo Hiến pháp vào đầu tháng 9. Chính phủ Cuba trước đó cũng đã phát hơn 1 triệu bản chuyên san 32 trang toàn văn bản Dự thảo Hiến pháp trên cả nước, chưa kể tài liệu trên cũng được phát hành trực tuyến trên mạng Internet.
Sau khi hoàn thành quy trình tham vấn và dựa trên các đề xuất của người dân, Quốc hội Cuba sẽ soạn thảo lại Hiến pháp và đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 24/2/2019, và sau đó sẽ bỏ phiếu thông qua văn kiện này tại kỳ họp ngay sau cuộc trưng cầu.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bao gồm một phần mở đầu và 224 điều, được chia thành 11 mục, 24 chương và 16 phần. Hiến pháp hiện hành của Cuba được áp dụng từ năm 1976 và mới được bổ sung, sửa đổi 2 lần vào các năm 1992 và 2002. Các nội dung được coi là có nhiều điểm mới quan trọng nhất trong dự thảo Hiến pháp mới liên quan tới hệ thống kinh tế, trong đó ngoài việc tái khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước còn công nhận vai trò của thị trường và quyền tư hữu; mở rộng các quyền công dân và quyền tự do, như quyền bình đẳng hôn nhân (bao gồm của cả người đồng giới), hay quyền được cung cấp đầy đủ nước sạch, quyền được có nhà ở xứng đáng, điều chỉnh quy định về quốc tịch; và hệ thống chính trị, trong đó bao gồm các quy định rõ ràng hơn về quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.