Ngày 5/6, Quốc hội Cuba tổ chức phiên họp 2 lần một năm với trọng tâm là kinh tế. 612 nghị sĩ cùng các quan chức cấp cao khác trong Chính phủ đã thảo luận lý do vì sao nền kinh tế quốc gia vùng Carribea này đã trải qua 6 năm cải cách song vẫn chưa đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Cuba Raul Castro cho biết nhà nước Cuba chưa hài lòng nhưng không thất vọng với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay. Ông kêu gọi người dân làm việc chăm chỉ, lạc quan để thay đổi tình hình và đảm bảo phát triển kinh tế có thể kéo theo phát triển xã hội.
Chủ tịch Raul Castro phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: AP |
Ông Castro không công bố các chiến lược mới trước Quốc hội, nhưng nhấn mạnh nếu thích hợp thì có thể đảm bảo tiền gửi tại các ngân hàng Cuba bằng đồng tiền mạnh và các nội tệ. Ông lên án những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Cuba khiến nước này phải chịu nhiều khó khăn về kinh tế.
Trước đó, Chính phủ Cuba thông báo có kế hoạch chấm dứt chế độ tiền tệ kép đang bị chỉ trích gây bất bình đẳng xã hội, nhưng không ấn định thời gian thực hiện kế hoạch này. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Marino Murillo, quan chức phụ trách cải cách, cho biết Chính phủ không muốn áp đặt những biện pháp gây xáo trộn mạnh trong bối cảnh nhiều người Cuba lo ngại họ có thể thiệt hại nếu đồng peso truyền thống bị ngừng sử dụng để tạo sức mạnh cho CUC, đồng nội tệ thứ hai ngang giá với USD (25 peso). La Habana cũng đã hạn chế chi tiêu công, cho phép người dân tự kiếm việc làm nhưng ít cho nước ngoài tham gia khu vực khai khoáng.
Là một nước có nhiều đất nông nghiệp, Cuba vẫn phải nhập khẩu phần lớn lương thực để nuôi sống 11 triệu dân. Bộ trưởng Nông nghiệp Gustavo Rodriguez (Gu-xta-vô Rô-đri-ghê) thừa nhận khu vực này gặp khó khăn về mọi mặt và đã phải chi khoảng 2 tỷ USD để nhập khẩu lương thực. Năm 2013, kinh tế Cuba chỉ tăng trưởng 2,7% so với mục tiêu 3,6% do Chính phủ đề ra. Tháng trước, Cuba đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 từ 2,2% xuống 1,4%.
TTXVN/Tin tức