Người đứng đầu chính phủ cho biết sẽ duy trì nguyên tắc không thực hiện bất cứ điều gì cho đến khi tạo ra các điều kiện cần thiết để tránh việc các biện pháp trên làm xấu đi mức sống của người dân và gây ra tình trạng phi vốn hóa của hệ thống doanh nghiệp.
Thủ tướng Cuba chỉ ra sự cấp bách của việc thực hiện các hành động chống lại các hành vi gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, gồm các vi phạm trong quy hoạch đô thị, chiếm đoạt tài sản công, trao đổi tiền tệ phi chính thức, trốn thuế và tham nhũng.
Ông Manuel Marrero nêu ra sự cần thiết phải đô la hóa một phần nền kinh tế để đảm bảo phục hồi giá trị của đồng nội tệ peso. Thủ tướng Manuel Marrero chỉ trích việc lưu thông khoảng 2 tỷ USD giữa khu vực tư nhân và thị trường ngoại hối phi chính thức, nơi các doanh nghiệp tư nhân sử dụng để nhập khẩu, trong khi kho bạc nhà nước lại thiếu nguồn thu. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt việc thực hiện cơ chế quản lý và phân bổ ngoại hối mới, cũng như thực hiện tất cả các giao dịch nội bộ của nền kinh tế bằng đồng peso, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như Đặc khu phát triển Mariel, cách thủ đô La Habana 45 km về phía Tây.
Thủ tướng Cuba cho rằng việc điều chỉnh quy mô cần phải được thực hiện dần dần và hết sức thận trọng để giảm chênh lệch tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế, quản lý sự mất cân đối. Thống kê cho thấy năm 2023, các công ty tư nhân đã nhập khẩu khoảng 1,3 tỷ USD và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt 936 triệu USD, một xu hướng mà nếu tiếp tục, sẽ vượt quá số tiền 1,5 tỷ USD dự kiến trong kế hoạch của nền kinh tế năm 2024.
Theo ông Manuel Marrero, hoạt động tài chính và thương mại này liên quan đến thuế và tạo ra một vòng xoáy nhu cầu ngoại tệ không thể kiểm soát, làm đa dạng hóa các kênh, phương thức và những người có liên quan bất hợp pháp. Thủ tướng khẳng định Chính phủ không có ý định đóng cửa doanh nghiệp tư nhân mà chỉ lập lại trật tự kỷ luật để tổ chức lại nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Manuel Marrero tuyên bố rằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất thực phẩm vẫn tiếp tục và các dự án mới được thúc đẩy trong các lĩnh vực khác; đồng thời khẳng định rằng đầu tư nước ngoài được công nhận là một thành phần cơ bản để phát triển kinh tế xã hội.
Cuba đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.