Cuba-Mỹ lần đầu tiên thảo luận về tài sản tổn thất

Cuba và Mỹ sẽ tiến hành cuộc họp đầu tiên mang tính chất trao đổi thông tin về các tài sản của Mỹ bị Cuba tịch biên cũng như về những thiệt hại vật chất do chính sách cấm vận của Mỹ gây ra.

Cờ tung bay tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba sau 54 năm.

Ngày 7/12, báo điện tử chính thức của Cuba và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 2 nước sẽ tiến hành tại La Habana cuộc họp đầu tiên mang tính chất trao đổi thông tin về các tài sản của Mỹ bị Cuba tịch biên sau khi Cách mạng nước này thành công hồi năm 1959 cũng như về những thiệt hại vật chất mà chính sách cấm vận của Mỹ gây ra cho Cuba.


Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Washington sẽ đề cập tới những khiếu kiện của công dân Mỹ có tài sản bị chính quyền Cuba tịch thu, kể cả những vụ kiện đã được các tòa án Mỹ ra phán quyết chống lại La Habana và lệnh đóng băng các tài sản của nhà nước Cuba.


Trước đó, Mỹ từng cho biết hiện có khoảng 6.000 cá nhân và doanh nghiệp Mỹ có khiếu kiện về tài sản bị tịch thu tại Cuba với tổng trị giá khoảng 1,9 tỷ USD. Theo ông Kirby, những khiếu kiện này đã được Ủy ban Giải quyết khiếu kiện ngoài nước của Mỹ, trực thuộc Bộ Tư pháp và là cơ quan đại diện của Mỹ đàm phán về các vụ tranh chấp với chính phủ nước ngoài, giải quyết.


Năm 1959, Luật cải cách nông nghiệp tại Cuba có quy định về việc quốc hữu hóa, nhưng cũng đặt ra cơ chế đền bù bằng Trái phiếu tự chủ dựa trên giá trị của đất đai trong sổ kế toán chính thức với lãi suất 4,5%/năm trong vòng 20 năm. Nhiều cá nhân và công ty Mỹ đã tham gia quá trình đàm phán những khoản đền bù này, nhưng năm 1960, Washington đã quyết định ngừng hạn ngạch nhập khẩu đường mía từ Cuba, khi đó đang ở mức 700.000 tấn/năm, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đảo quốc này và để trả đũa, La Habana đã thông qua Luật 851 quy định quốc hữu hóa cưỡng bức mọi tài sản của Mỹ tại Cuba.


Trong khi đó, La Habana từng nhiều lần thông báo tại các diễn đàn quốc tế về những thiệt hại do cuộc bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ kéo dài hơn nửa thế kỷ qua gây ra, với giá trị ước tính là 833,755 tỷ USD quy theo giá trị biến động vàng, hay tương đương 121,182 tỷ USD theo tỷ giá hồi năm 1996 khi Cuba ban hành Luật Tái khẳng định Phẩm giá và Chủ quyền Cuba. Văn bản luật này của Cuba được ban hành sau khi Mỹ thông qua Luật Helms – Burton, qua đó luật hóa cuộc bao vây cấm vận của Mỹ, bao gồm quy định việc xóa bỏ cấm vận của Mỹ chỉ được tiến hành khi Cuba đã đền bù mọi tổn thất các tài sản của pháp nhân Mỹ bị tịch biên trước đó. Đáp lại, Luật Tái khẳng định Phẩm giá và Chủ quyền Cuba quy định việc đền bù này chỉ được thương lượng cùng với việc đền bù từ phía Mỹ về những thiệt hại do cuộc bao vây cấm vận trên gây ra. Con số 121,182 tỷ USD nói trên sau đó được các tòa án tại Cuba thông qua hồi năm 2000.


Ông Kirby nhận định cuộc họp lần này “sẽ là bước đi đầu tiên và điều mà chúng tôi chờ đợi là một quá trình dài và phức tạp, nhưng theo quan điểm của Mỹ, việc giải quyết những khiếu kiện còn tồn đọng là một ưu tiên cao để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”.


TTXVN/Tin Tức
Mỹ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp sang Cuba
Mỹ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp sang Cuba

Mỹ và Cuba đã thảo luận khả năng tăng cường thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN