Theo đài Sputnik (Nga), Tổng thống Mỹ đã đưa tuyên bố trên trong cuộc nói chuyện với các phóng viên tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, ngay sau khi ông trở về từ một sự kiện ở Baltimore, Maryland.
“Không”, ông Biden trả lời khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự sắp tới hay không. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết ông dự kiến đến thăm Ba Lan nhưng chưa rõ thời điểm sẽ thực hiện chuyến công du này.
Trước đó, Ukraine đã kêu gọi chính quyền ông Biden và các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ cung cấp máy bay phản lực F-16 cho nước này để củng cố lực lượng trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang leo thang.
Vài giờ sau khi ông Biden trò chuyện với các phóng viên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby giải thích rằng lý do đằng sau động thái này là vì có rất nhiều loại vũ khí đang và sẽ được gửi tới Ukraine trong những tuần và tháng tới.
“Uy lực của các loại vũ khí này rất quan trọng để một lần nữa giúp đỡ người Ukraine trong cuộc chiến hiện tại vào mùa đông, cũng như phương thức chiến đấu mà chúng tôi dự đoán rằng Nga sẽ thực hiện vào mùa xuân”, ông Kirby nói thêm.
Giữa các báo cáo về việc chuyển giao xe tăng Abrams của Mỹ tới Ukraine, các cuộc thảo luận về khả năng gửi F-16 tới Kiev đã được thúc đẩy mạnh mẽ ở Washington trong vài tuần qua. Trên thực tế, truyền thông Mỹ trước đó đưa tin một nhóm quan chức quân đội Mỹ đã vận động hành lang về việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng những chiếc máy bay phản lực F-16 này mang nhiều tính chất truyền thông về cuộc chiến ở Ukraine, hơn là giúp đỡ các lực lượng nước này ở vùng chiến sự.
“Đưa F-16 đến Ukraine chỉ đóng vai trò truyền thông về cuộc chiến này nhiều hơn, và chúng sẽ khiến làn sóng phẫn nộ từ cả hai bên gia tăng, đồng thời làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận hoà bình thực sự”, Trung tá Karen Kwiatkowski, nhà phân tích đã nghỉ hưu của Lầu Năm Góc, nói với Sputnik.
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Biden được đưa ra khi các quan chức cũng xác nhận rằng Washington đã chuyển lô xe chiến đấu bộ binh Bradley đầu tiên tới Ukraine. Giới chức lưu ý rằng khoảng 60 chiếc xe đã được chuyển từ Nam Carolina tới Ukraine.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho đến nay, Mỹ đã cung cấp khoản hỗ trợ an ninh trị giá 27,1 tỷ USD cho Kiev. Tuần trước, chính quyền ông Biden thông báo Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine. Ukraine từng liên tục kêu gọi Mỹ, Đức và các nước khác cung cấp xe tăng.
Quyết định này đánh dấu sự thay đổi trong chính quyền ông Biden, vốn trước đây khẳng định xe tăng Abrams không mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine do tốn nhiều công sức bảo trì.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây công khai tham gia vào “cuộc chiến ủy nhiệm” với Moskva, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí vận chuyển tới Kiev đều bị Nga coi là mục tiêu hợp pháp.
Nga trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.
Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cũng cảnh báo “thảm kịch toàn cầu” có thể xảy ra với nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ của Nga, như họ đe dọa sẽ thực hiện, thì Moskva sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn”, ông Volodin nói.