Đêm 2/5, tại tỉnh biên giới Nuristan, Đông Bắc Ápganixtan đã xảy ra cuộc xung đột được coi là dấu hiệu báo thù đầu tiên của các phần tử cực đoan sau khi trùm khủng bố al Qaeda Osama bin Laden bị tiêu diệt.
Binh sĩ Apganixtan được tăng cường tại khu vực xảy ra xung đột. AFP - TTXVN |
tCác nguồn tin cho biết khoảng 25 tay súng nước ngoài đã bị các binh sỹ Ápganixtan tại tỉnh Nuristan giáp biên với Pakixtan tiêu diệt khi vượt biên sang Ápganixtan. Theo Tỉnh trưởng Jamaluddin Badr, đây là thành công của chiến dịch tăng cường an ninh nhằm ngăn chặn mọi cuộc tấn công của các phần tử khủng bố trả đũa vụ trùm khủng bố Bin Lađen bị tiêu diệt. Chiến dịch có sự phối hợp với lực lượng của các nước Arập và Pakixtan.
Trước đó, Tổ chức Hiệp ước NATO đã cảnh báo nhiều cuộc đụng độ nghiêm trọng sẽ diễn ra trong tuần này tại Ápganixtan khi các tay súng Taliban tuyên bố hồi cuối tuần rằng sẽ bắt đầu một làn sóng bạo lực trong chiến dịch mùa Xuân Ápganixtan. Sau khi Mỹ thông báo đã tiêu diệt được Bin Lađen, giới chức Ápganixtan càng lo ngại nguy cơ các phần tử khủng bố và hồi giáo cực đoan tìm cách thâm nhập vào nước này.
Trước sự nghi ngờ ngày càng gia tăng của Mỹ xung quanh sự hiện diện của Bin Lađen tại một biệt thự ở Pakixtan trước khi bị tiêu diệt, ngày 2/5, Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari đã bác bỏ thông tin cho rằng các lực lượng an ninh của nước này có thể đã bao che cho trùm khủng bố Bin Lađen.
Theo tờ "Bưu điện Oasinhtơn", ông Dađari cho biết các lực lượng Pakixtan không liên quan đến chiến dịch truy quét Bin Lađen song khẳng định "một thập kỷ hợp tác" của Pakixtan với Mỹ đã dẫn đến việc trừ khử được tên này.
Việc Bin Lađen bị tiêu diệt trong một ngôi nhà lớn gần một học viện quân sự ở thành phố Abbottabad, phía Tây Bắc Pakixtan đã làm dấy lên nghi ngờ về việc làm thế nào mà các lực lượng an ninh Pakixtan lại không nhận ra sự hiện diện của Bin Laden ở khu vực này. Cố vấn cấp cao về chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan cho biết Oasinhtơn đang điều tra xem liệu Bin Lađen có nhận được hỗ trợ nào ở Pakixtan hay không.
Tiếp tục phản ứng trước thông tin trùm khủng bố Bin Lađen bị tiêu diệt, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan coi đó là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và hoan nghênh những nỗ lực của các bên liên quan, trước hết là Mỹ và Pakixtan. Ông Kancũng khẳng định sẽ thực hiện tốt các đối sách chống khủng bố tiếp theo, đóng góp một cách tích cực và chủ động vào chiến dịch chống khủng bố của cộng đồng quốc tế.
Ông Kan cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập phòng thông tin liên lạc trong trung tâm quản lý nguy cơ. Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ tăng cường cảnh giác trước hoạt động báo thù của các tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, Thụy Sỹ lại tỏ ra thận trọng trước thông tin về cái chết của Bin Lađen. Phóng viên TTXVN tại Geneve cho biết tại một buổi họp báo ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ, ông Ueli Maurer cho rằng không nên “ngây thơ” khi tin rằng mọi vấn đề đã được giải quyết. Cái chết của Bin Lađen sẽ khiến mạng lưới al Qaeda như "rắn mất đầu", tuy nhiên động thái đó cũng dễ dẫn tới các hoạt động tấn công trả đũa và chưa thể tạo ra những thay đổi lớn cho cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.
Về phần mình, Iran yêu cầu quân đội nước ngoài rút khỏi Ápganixtan sau khi Bin Lađen đã bị tiêu diệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Ramin Mehmanparast ngày 3/5 bày tỏ hy vọng việc Bin Lađen bị tiêu diệt sẽ chấm dứt chiến tranh, đổ máu và sát hại những người vô tội.