Trả lời phỏng vấn, ông Shakirov thông báo: "Trong hai ngày làm việc, sau khi các thành viên trong nhóm quan sát viên đến thăm các điểm bỏ phiếu, chưa có vi phạm nào được ghi nhận". Ông Shakirov nhận định cuộc bầu cử ở "cấp độ tổ chức cao, minh bạch và dễ tiếp cận". Ông cũng cho biết không tìm thấy bất kỳ vi phạm hoặc yếu tố tiêu cực nào liên quan đến bỏ phiếu điện tử.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chủ quyền nhà nước và ngăn chặn can thiệp vào công việc nội bộ của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Andrei Klimov lưu ý rằng sẽ có trường hợp quan sát viên nước ngoài "tìm cách làm mất uy tín cuộc bầu cử", ngoại trừ những quan sát viên cung cấp thông tin khách quan.
Một số nhà quan sát nước ngoài cũng đánh giá tích cực diễn biến quá trình bầu cử ở Nga. Musa Sirazh, thành viên Quốc hội Nhân dân Maldives, nhận xét hệ thống bỏ phiếu điện tử khiến người dân cảm thấy an toàn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong khi đó, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ "Ngoại giao Nhân dân - Na Uy" Hendrik Weber nhấn mạnh quá trình bầu cử ở Nga minh bạch và được tổ chức ở "mức cao nhất".
Năm nay, cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga lần đầu tiên được tổ chức theo thể thức mới, kéo dài 3 ngày từ 17-19/9 do đại dịch COVID-19. Ngày 19/9 là ngày bỏ phiếu chính, các ngày 17 và 18/9 là ngày bỏ phiếu bổ sung. Dịch vụ bỏ phiếu trực tuyến được cung cấp cho người dân 7 khu vực: thủ đô Moskva, các tỉnh Murmansk, Kursk, Nizhny Novgorod, Rostov và Yaroslavl, cũng như Sevastopol
Duma Quốc gia Nga được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo hệ thống bầu cử hỗn hợp: 225 đại biểu được bầu từ các danh sách đảng, 225 đại biểu khác - từ các khu vực bầu cử bầu ra 1 người duy nhất trong một vòng.