Iran một lần nữa đứng trước thời khắc lịch sử khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sớm vào ngày 28/6 tới, sau cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi trong một vụ tai nạn trực thăng vào tháng trước.
Theo hãng tin Al Azeera, cuộc bầu cử này có thể sẽ phần nào hé lộ các kế hoạch tương lai của chính quyền Iran đối với đất nước.
Liệu cơ chế chính trị có sẵn sàng giảm bớt căng thẳng chính trị và xã hội trong nước, mở cửa với thế giới hay sẽ duy trì các chính sách đối đầu ở nước ngoài? Vị tổng thống bước ra từ cuộc bầu cử tháng 6 sẽ đưa ra câu trả lời.
Theo hãng tin AP, ngày 9/6, Hội đồng Giám hộ - cơ quan giám sát các cuộc bầu cử tại Iran - đã phê chuẩn Chủ tịch Quốc hội theo đường lối cứng rắn và 5 nhân vật khác trở thành ứng viên tranh cử tổng thống vào ngày 28/6. Hội đồng cấm cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người theo chủ nghĩa dân túy, ra tranh cử.
Quyết định của hội đồng giám hộ đã đại diện cho phát súng khởi đầu cho một chiến dịch kéo dài hai tuần tìm người thay thế cố Tổng thống Raisi, một người đi theo đường lối cứng rắn của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei và cũng được coi là người có thể kế vị vị giáo sĩ 85 tuổi này.
Việc lựa chọn các ứng cử viên được Hội đồng Giám hộ phê duyệt, một hội đồng gồm các giáo sĩ và luật gia do ông Khamenei giám sát, cho thấy chế độ Shiite của Iran hy vọng sẽ giúp cuộc bầu cử suôn sẻ sau khi số phiếu bầu gần đây chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục và căng thẳng về vấn đề hạt nhân vẫn ở mức cao, cũng như cuộc chiến Israel-Hamas chưa hết nóng.
Chiến dịch tranh cử mới có thể bao gồm các cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình nhà nước Iran. Các ứng cử viên cũng sẽ có bài phát biểu vận động để thu hút người ủng hộ.
Cho đến nay, không ai trong số các ứng viên đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào cho chiến dịch tranh cử. Điểm chung của những ứng viên này là hứa hẹn một tình hình kinh tế tốt hơn trong bối cảnh Iran phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
Ứng cử viên nổi bật nhất vẫn là Mohammad Bagher Qalibaf, 62 tuổi, cựu thị trưởng Tehran có mối quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng.
Ông Qalibaf tranh cử tổng thống không thành công vào năm 2005 và 2013. Đến năm 2017, ông rút khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống để ủng hộ ông Raisi. Cuối cùng, Tổng thống Raisi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2021.
Hồi tuần trước, lãnh tụ tối cao Khamenei đã có bài phát biểu ám chỉ những phẩm chất mà những người ủng hộ ông Qalibaf chỉ ra. Điều này có khả năng báo hiệu sự ủng hộ của nhà lãnh đạo tối cao đối với ông Qalibaf.
Các ứng cử viên khác trong danh sách bao gồm Saeed Jalili, cựu nhà đàm phán hạt nhân cấp cao, người từng tranh cử vào năm 2013; Thị trưởng Tehran Alireza Zakani; cựu bộ trưởng tư pháp Mostafa Pourmohammadi; Phó Tổng thống Amirhossein Ghazizadeh Hashemi. Ông này đã tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 và đứng cuối cùng chỉ với chưa đến 1 triệu phiếu bầu.
Ông Masoud Pezeshkian là ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách duy nhất trong danh sách song ông này được cho là không có nhiều cơ hội.
Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Iran và phương Tây về những cáo buộc nước này cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các lực lượng dân quân thân Iran trên khắp Trung Đông cũng khiến các nước phương Tây lo ngại.