Cuộc cải cách tiền tệ quan trọng trong 60 năm ở Cuba

Sau nhiều lần trì hoãn, Chính phủ Cuba ngày 10/12 cho biết sẽ hợp nhất hệ thống tiền tệ có hai đồng tiền là đồng peso nội tệ (CUP) và đồng peso chuyển đổi (CUC) vào tháng 1/2021, chấm dứt hệ thống tiền tệ hai đồng tiền tồn tại gần 30 năm qua.

Chú thích ảnh
Cuba hợp nhất đồng Peso nội tệ và Peso chuyển đổi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tối ngày 10/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thông báo kể từ ngày 1/1/2021 chính phủ nước này sẽ bắt đầu quá trình cải cách tiền tệ, đồng thời công bố thiết lập tỷ giá hối đoái 24 peso nội tệ đổi 1 USD. Động thái này sẽ giúp đất nước có điều kiện tốt hơn để thực hiện những chuyển đổi cần thiết nhằm cập nhật mô hình kinh tế.

Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định kế hoạch cải tổ hệ thống tiền tệ là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất mà đảo quốc Caribe này phải đối mặt trong trật tự kinh tế và thậm chí càng khó khăn hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như lệnh cấm vận ngày càng siết chặt.

Động thái mới của La Habana được đưa ra khi nền kinh tế Cuba dự kiến sẽ suy giảm 8% trong năm nay do tác động của đại dịch COVID-19, theo môt ước tính của Ủy ban Kinh tế về Mỹ Latinh của Liên hợp quốc.

Trong gần ba thập kỷ, nền kinh tế do nhà nước điều hành của Cuba đã lưu hành song song hai đồng tiền: đồng CUP có giá trị ngang với đồng USD và đồng CUC có giá trị thấp hơn 24 lần.

Những đồng tiền trên được trao đổi ở nhiều mức giá khác nhau: 1 peso đổi 1 CUP cho các doanh nghiệp nhà nước, 24 peso đổi 1 CUC đối với người dân, bên cạnh những mức trao đổi khác dành cho các liên doanh, tiền lương trong đặc khu kinh tế và các giao dịch giữa các nông dân và khách sạn.

Trong khi Cuba đã điều chỉnh tỷ giá đồng CUC trước đó vào năm 2011, tỷ giá chính giữa đồng peso so với đồng USD đã không thay đổi kể từ năm 1959. Vì vậy, quyết định loại bỏ đồng CUC và ấn định lại tỷ giá hối đoái với đồng bạc xanh được coi là cuộc cải cách tiền tệ quan trọng 60 năm của quốc đảo này.

Các nhà kinh tế cho rằng cuộc cải cách sẽ gây ra những khó khăn trong ngắn hạn cho người dân Cuba, song nó rất quan trọng trong dài hạn. Vì việc có nhiều tỷ giá hối đoái khác nhau, dù trợ cấp hiệu quả cho một số lĩnh vực, lại ảnh hưởng tới cách thức hoạt động của cả nền kinh tế.

Chủ tịch Diaz-Canel cũng nhắc lại điều ông đã từng đề cập trước đó rằng mặc dù việc thống nhất tiền tệ và tỷ giá hối đoái “không phải là giải pháp kỳ diệu” cho mọi vấn đề, song bước đi này sẽ kích thích lợi ích lao động, tăng năng suất và có lợi cho lĩnh vực kinh doanh.

Giới quan sát dự kiến lạm phát của Cuba sẽ tăng cao và các thông báo của Chính phủ trong những tháng gần đây cũng cho thấy điều đó có thể xảy ra. Bên cạnh đó, sự mất giá trong giai đoạn ban đầu sẽ đi kèm với mức lương trung bình của Nhà nước và lương hưu tăng cao, ngay cả khi nhiều mức giá vốn do nhà nước kiểm soát được tăng lên hoặc được phép tự điều chỉnh theo nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, việc tăng lương không áp dụng cho khoảng hai triệu trong số hơn bảy triệu lao động trong khu vực tư nhân, khu vực phi chính thức hoặc những người chỉ đơn giản là không có việc làm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết một số công ty sẽ có một năm để sắp xếp sổ sách trước khi ngừng trợ cấp, trong khi nước này sẽ tiếp tục cung cấp miễn phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục phổ cập, cùng một số loại thực phẩm được trợ giá và các khoản an sinh xã hội khác.

Theo giới quan sát, với quyết định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước Cuba – vốn chiếm tới  85% nền kinh tế và nhận được tỷ giá ưu đãi 1 peso đổi 1 USD - sẽ phải đối mặt chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá tăng. Nhưng họ cũng sẽ được khuyến khích xuất khẩu nhiều hơn, một điều chưa xảy ra trước đây.

Sau cùng, việc Chính phủ Cuba điều chỉnh tỷ giá và trợ cấp cơ bản là nhằm kích thích xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tăng hiệu quả sản xuất và đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
ECB 'đánh tiếng' về khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ vào cuối năm 2020
ECB 'đánh tiếng' về khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ vào cuối năm 2020

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 29/10 thông báo đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ và sẽ đánh giá lại để xem liệu có cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tại cuộc họp ngày 10/12 hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN