Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định: "Sau một thập niên viện trợ ồ ạt cho Ápganixtan, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc xây dựng Ápganixtan thành một nước ổn định về chính trị và có thể đứng vững được về kinh tế". Lời nhận định đã nói rõ thực tế chiến dịch quân sự của Mỹ tại Ápganixtan không đem lại phồn vinh và hòa bình cho người dân nước này mà thay vào đó là bạo lực kéo dài và ngày càng lan rộng.
10 năm “chống khủng bố" tại Ápganixtan
Ngày 7/10/2001, gần một tháng sau thảm kịch 11/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ George W.Bush và các đồng minh đã mở màn chiến dịch tấn công quân sự tại Ápganixtan, với mục tiêu công khai là "lật đổ chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban và truy lùng các phần tử khủng bố của mạng lưới Al-Qaeda". Tuy nhiên sau 10 năm, đổ hàng trăm tỷ USD và hàng nghìn lính bị thiệt mạng, khó có thể nhận thấy được một thắng lợi nào của nước Mỹ tại chiến trường này. Bất chấp những tuyên bố của Mỹ về việc đã giúp bình ổn tình hình Ápganixtan, đất nước này vẫn chìm trong bạo lực mà bằng chứng mới nhất là hai vụ ám sát nhằm vào hai nhân vật thuộc giới chóp bu là Ahmad Wali Karzai, em trai đương kim Tổng thống Hamid Karzai, và ông Burhanuddin Rabbani, cựu Tổng thống và Chủ tịch hội đồng hòa bình Ápganixtan. Số binh sĩ nước ngoài tử vong tại Ápganixtan tăng dần theo từng năm khiến đại đa số người dân các nước phương Tây không muốn chính phủ của họ sa lầy vào một cuộc chiến “hao người tốn của”. Quan hệ giữa Mỹ với Tổng thống Karzai đã trở nên căng thẳng khi hàng loạt dân thường bị thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ được thực hiện với mục đích tiêu diệt Taliban và Al-Qaeda. Tuy nhiên, điều mà giới phân tích cho là thất bại lớn nhất của Mỹ chính là đại đa số người dân Ápganixtan coi 140.000 binh sĩ của NATO là quân xâm lược.
Binh sĩ Mỹ tham chiến ở miền nam Ápganixtan. Ảnh: Internet |
Không chỉ như vậy, một điều trớ trêu là Taliban lại được đánh giá ngày càng mạnh lên trong khi quân đội Ápganixtan còn yếu kém, binh sĩ không có quyết tâm, tham nhũng, đào ngũ. Theo kế hoạch, từ tháng 7/2011, Mỹ và NATO đã bắt đầu thực hiện lịch trình từng bước rút lực lượng chiến đấu ra khỏi Ápganixtan và đến năm 2014, Ápganixtan sẽ tự đảm trách an ninh quốc gia. Tuy nhiên, giới ngoại giao và chuyên gia nước ngoài đã nhận định đó là một sự đánh cược đầy rủi ro, Ápganixtan có nguy cơ cao sẽ rơi vào nội chiến kéo dài. Và như vậy, với kịch bản này, việc Mỹ tiếp tục can dự sâu vào cuộc chiến tại quốc gia Nam Á sau năm 2014 được cho là hoàn toàn "khả thi và hợp lý".
Đồng minh sang đối đầu
Trong 10 năm tiến hành chiến dịch quân sự tại Ápganixtan, ngoài các đồng minh phương Tây, Mỹ đã huy động sự tham gia của nhiều quốc gia ở Trung Á và Nam Á, đặc biệt là Pakixtan. Với vị trí địa lý là quốc gia láng giềng của Ápganixtan, có chung đường biên giới hiểm trở, Pakixtan được đánh giá là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này. Pakixtan đã huy động quân đội tiến hành hàng loạt chiến dịch quy mô lớn để tiêu diệt các nhóm khủng bố được cho là đang lẩn trốn ở vùng đồi núi hiểm trở giáp Ápganixtan nhằm thực hiện các cam kết về việc hỗ trợ Mỹ truy quét các tàn quân Taliban và Al-Qaeda. Thế nhưng, "thời kỳ trăng mật" đột ngột chấm dứt khi Mỹ giáng cho đồng minh một đòn choáng váng, bí mật đưa lính đặc nhiệm vào bên trong lãnh thổ Pakixtan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden. Thậm chí, Tổng thống Mỹ đã không hề quan ngại về nguy cơ quan hệ đồng minh bị đổ vỡ khi thẳng thừng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tấn công tương tự bất chấp những lời cảnh báo mạnh mẽ từ phía Pakixtan.
Căng thẳng giữa hai quốc gia gia tăng khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen công khai cáo buộc Cơ quan tình báo liên ngành (ISI) Pakixtan "xuất khẩu bạo lực" và sử dụng mạng lưới khủng bố Haqqani tại Ápganixtan để tấn công các mục tiêu của Mỹ. Sau Al-Qaeda và Taliban, giờ đây đến lượt Haqqani đang được Mỹ sử dụng để gây sức ép đối với Pakixtan. Những động thái này dường như là lời báo trước của Mỹ về việc sẽ gia tăng các hành động quân sự đơn phương bên trong lãnh thổ Pakixtan với lý do "tiêu diệt khủng bố".
Các hành động của Mỹ đã châm ngòi một loạt các phản ứng mạnh từ Pakixtan. Hàng trăm bộ tộc đe dọa thánh chiến. Giới phân tích dự đoán khả năng Pakixtan đóng cửa không phận đối với các máy bay của Mỹ và đáp trả bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào. Thậm chí Pakixtan cũng có thể bắn hạ những máy bay không người lái của Mỹ đang hoạt động dọc biên giới Ápganixtan-Pakixtan. Từ vị trí đồng minh, quan hệ Mỹ-Pakixtan giờ đây đang đối mặt với nguy cơ trở thành đối đầu.
10 năm trước, Al-Qaeda và Taliban là những lý do mà chính phủ Mỹ đưa ra để phát động chiến dịch quân sự tại Ápganixtan. 10 năm sau, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại quốc gia này có vẻ sắp không còn lý do để tiếp diễn khi Bin Laden bị tiêu diệt và còn Taliban thì đang được Mỹ cân nhắc khả năng thương lượng. Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng thông báo những mục tiêu mới và cho là "vô cùng nguy hiểm". Với cách lập luận của Mỹ, cuộc chiến chống khủng bố sẽ không có điểm dừng và thậm chí sẽ ngày càng mở rộng.
Cẩm Tuyến