Tình cảnh khốn khó của người tị nạn SyriaSau khi rời bỏ các ngôi nhà với một vài bộ quần áo mang theo, nhiều người tị nạn Syria sẽ lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới ở nước đi tị nạn - một vấn đề sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống trước mắt và lâu dài của họ.
Một trẻ em Syria phải ly hương cùng cha mẹ, sống trong một trại tị nạn tạm bợ ở đông Lebanon, giáp Syria. Ảnh: AP
|
Không quốc tịch là một thuật ngữ dùng để miêu tả người nào đó không được coi là công dân của bất kì một quốc gia nào. Khi ở tình cảnh này, họ sẽ chẳng thể nào tiếp cận được các quyền và dịch vụ cơ bản nhất của một con người. Điều 15 Tuyên bố nhân quyền của LHQ nêu rõ: Mọi người có quyền có quốc tịch. Nhưng theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hiện trên thế giới có khoảng 12 triệu người không có quốc tịch.
UNHCR cho biết hiện có khoảng 450 người Syria tị nạn tại Lebanon bị xem là không quốc tịch. Trong số này, phần lớn là trẻ em chưa được khai sinh. Cùng với đó là những nhóm người Kurd không có quyền công dân, một số ít người Syria buộc phải ly hương do chiến sự mà không kịp mang theo giấy tờ tùy thân.
Khi mà các biện pháp an ninh tại khu vực biên giới được siết chặt, những ngày tháng mà người tị nạn có thể vượt quãng đường ngắn tới cửa khẩu Syria để gia hạn visa trong tích tắc đã không còn. Với những công dân không đủ địa vị pháp lý này, điều mà họ lo nhất là bản thân và con cái sẽ bị bắt giữ bất cứ lúc nào, và vì thế họ ở lỳ trong nhà, chẳng khác nào bị tự giam giữ tại gia.
Đó là tình cảnh của Rami, một người tị nạn đến từ miền bắc Syria, đến Lebanon 1 năm trước đây, anh thương phải giành phần lớn thời gian với gia đình trong căn hộ 1 phòng ngủ ở nam Beirut, không dám ra khỏi nhà vì chẳng thành viên nào có đăng kí với chính quyền. Tệ hại hơn, 7 người con của Rami chẳng đứa nào được nhập học, vì không có mẫu căn cước còn hạn do chính phủ cấp. Ông ao ước, giá như bọn trẻ được đi học thì tốt biết mấy, vì học hành rất quan trọng đối với tương lai sau này của chúng.
Vợ Rami lại đang mang thai, giờ thì cả hai vợ chồng đã bắt đầu lo lắng cho đứa trẻ sắp ra đời – rằng đứa bé sẽ không đủ điều kiện để đăng kí cứ trú, khai sinh, và vì thế sẽ phải đối mặt với thảm kịch công dân không quốc tịch.
Sự vào cuộc của các tổ chức quốc tếUNHCR sẽ hỗ trợ mọi người tị nạn, bất kế tình trạng cư trú là gì. Thế nhưng, để tiếp cận được với các dịch vụ nhà nước như giáo dục, hoặc là để tránh những phiền toái khi hồi hương, người tị nạn, nhất là trẻ em, phải được đăng kí.
Nhận thức rõ được điều này, UNHCR đã cho thành lập một đơn vị tư vấn pháp luật di động, chuyên đi tới các vùng nông thôn tại Lebanon để nâng cao nhận thức của người tị nạn về tầm quan trọng của việc đăng kí khai sinh. “Nếu các bậc cha mẹ định cư tại nước ngoài bất hợp pháp – trường hợp xâm nhập bất hợp pháp, hoặc là quá hạn visa, họ rất sợ phải đến trình diện các cấp chính quyền. Họ từ chối việc đăng kí cư trú, và rồi phải đối mặt với nhiều vấn đề”, bà Joelle Eid, chuyên viên Văn phòng thông tin công cộng thuộc UNHCR cho biết. Điều tệ hại hơn là khi họ có con. “Đó sẽ là vấn đề lớn, nếu như họ cứ chần chừ mãi. Nếu ở lại Lebanon (mà không đăng kí khai sinh cho con) trong vòng quá một năm, họ sẽ phải đến tòa án", bà nói.
Cho đến nay, có khoảng 6.500 trẻ em người Syria được sinh ra tại Lebanon đã được đăng kí với UNHCR, dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 trẻ vào cuối năm nay. Thế nhưng, nếu cuộc nội chiến tại Syria cứ kéo dài mãi, số người tị nạn dạng quá hạn visa và mất vị thế pháp lý của công dân sống tại Lebanon sẽ ngày một nhiều lên, dẫn đến số trẻ sơ sinh phải đối mặt với nguy cơ không quốc tịch tăng.
Việc đăng kí khai sinh cho trẻ ở nước ngoài là cả một quá trình đầy phức tạp. Đối với người tị nạn, điều họ lo lắng thường trực trong đầu là tìm cách thích ứng với môi trường mới, có được cái ăn, chỗ ở, việc làm, học hành... cuối cùng là với đến các mớ giấy tờ hành chính kia. Trong một số trường hợp, các bậc cha mẹ thậm chí còn không kịp nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng kí chứng sinh, như đăng kí kết hôn - một loại giấy chứng nhận bắt buộc phải có nếu muốn khai sinh cho con.
Đó là lý do tại sao mà các sáng kiến của các tổ chức thuộc LHQ và phi chính phủ ra đời, hướng đến mục tiêu làm cho người tị nạn hiểu được giá trị của việc đăng kí khai sinh, cư trú đối với con cái mình. Một tờ rơi của UNHCR ghi rõ, “không có giấy khai sinh, các đứa con của bạn có thể gặp khó khăn trong việc được cấp thẻ căn cước do Syria cấp, và vì thế chúng sẽ không được quyền vượt biên giới hồi hương một cách hợp pháp”.
Để tránh những trường hợp không may mắn trên, UNHCR hối thúc người tị nạn Syria tiến hành các bước sau: 1/ Cha mẹ cần mang theo giấy chứng sinh do bệnh viện cấp, nếu vắng cha, trẻ sơ sinh có thể đăng kí dưới tên của mẹ; 2/ Cầm theo giấy chứng sinh và thẻ căn cước của mình đến trình diện chính quyền địa phương nơi cư trú, tị nạn; 3/ Đăng kí khai sinh tại khu vực gần nhất. Đây là bước khó khăn nhất, họ sẽ phải trình bằng chứng về tình trạng cư trú hợp pháp tại Lebanon, một quy chế mà mỗi lần cấp mới sẽ tốn khoảng 200 USD - một mức giá quá cao.
HT (The dailystar)