Kênh CNN cho biết Mỹ đã tiết lộ chủ trương muốn đàm phán trực tiếp với Taliban ở Doha (Qatar) và nhiều thứ đang thay đổi về mặt đối ngoại, nhưng trên thực địa lại là một sắc thái khác. Chỉ 4 ngày sau khi Taliban thách thức chính phủ Afghanistan, giao tranh căng thẳng đã xảy ra tại thành phố Ghazni.
Kể từ sáng 10/8, thành phố Ghazni – cách thủ đô Kabul 150km- đã trở thành chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Tariq Shah Bahrami thừa nhận khoảng 100 nhân viên an ninh vào 30 người dân thường đã thiệt mạng tại Ghazni. Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn tin các nhà ngoại giao tại Kabul cho biết chính phủ Afghanistan đã quá bất ngờ về cuộc tấn công và phải mất 72 tiếng để Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố điều lực lượng đến Ghazni.
Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan – ông Wais Barmak trong cuộc họp báo ngày 13/8 cho biết tuyên bố của Taliban kiểm soát trụ sở cảnh sát và các nhà tù ở Ghazni là thất thiệt. Bộ trưởng Wais Barmak bổ sung rằng lực lượng chính phủ đã đẩy lui được Taliban và giành lại quyền kiểm soát thành phố Ghazni.
Tuy nhiên, nguồn tin của kênh CNN tại Ghazni cho biết phiến quân Taliban vẫn di chuyển tự do trong thành phố.
Trong khi đó, Trung tá Martin O'Donnell- đại diện của quân đội Mỹ tại Ghazni lại khẳng định thành phố vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Afghanistan. Ông Martin O'Donnell đồng thời cho biết giao tranh vẫn “lác đác” quanh Ghazni bởi quân đội chính phủ Afghanistan dành thời gian đánh bật phiến quân Taliban vẫn đang lẩn trốn và bảo vệ người dân thường.
Trung tá Martin O'Donnell xác nhận binh lính Mỹ tại thực địa vẫn đóng vai trò cố vấn cho quân đội Afghanistan. Riêng sáng 13/8, Mỹ đã tiến hành hai cuộc không kích, và kể từ ngày 10/8 tiêu diệt 140 phiến quân Taliban.
Có 3 lý do khiến cuộc tấn công tại Ghazni thực sự đáng lo ngại. Đầu tiên là Ghazni mang quy mô của một đô thị trong khi trọng tâm chiến lược của Mỹ ở hiện tại và tương lai là đảm bảo rằng chính phủ Afghanistan kiểm soát tất cả các thành phố. Việc khu vực đô thị rơi vào tay Taliban cho thấy điểm yếu của lực lượng chính phủ Afghanistan đồng thời gây mất tự tin.
Thứ hai, sự kiện ở Ghazni còn cho thấy Taliban đang tiến đến các cuộc đối thoại trong tương lai với Mỹ qua việc phô trương sức mạnh.
Thứ ba, thông tin về sự trỗi dậy cua Taliban tại Ghazni phần nào giảm lòng tin vào sức mạnh của quân đội Mỹ và chính phủ Afghanistan. Chính phủ Afghanistan từng tuyên bố mục tiêu đến cuối năm 2019 kiểm soát vùng lãnh thổ nơi 80% dân số sinh sống. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng chính phủ Afghanistan mới chỉ kiểm soát được 65%, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2017.
Lần gần đây nhất Taliban tấn công vào một khu vực thành thị ở Afghanistan là vào năm 2015 tại Kunduz và kéo dài trong vài ngày. Ba năm sau, tình hính nóng lên tại Ghazni và CNN đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ chưa thể đến gần được với hồi kết.