Chính phủ Hàn Quốc đã ra thời hạn các bác sĩ nội trú đến ngày 29/2 phải chấm dứt cuộc đình công hàng loạt hoặc đối mặt với bị đình chỉ giấy phép hành nghề và truy tố, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đã bộc lộ những thách thức về nhân khẩu học của đất nước.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất vào tuần trước sau khi hàng nghìn bác sĩ nội trú nghỉ việc để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng tuyển sinh vào trường y.
“Chúng tôi kêu gọi các bác sĩ tập sự đã rời nơi làm việc hãy quay trở lại trước thứ Năm (29/2). Nếu làm vậy, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về những hành động trước đó”, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong nói với các phóng viên hôm 27/2. “Việc đình chỉ giấy phép hành nghề và khởi kiện theo trình tự pháp lý sẽ là điều không thể tránh khỏi đối với những người không quay trở lại làm việc”.
Theo Bộ Y tế, hơn 2/3 số bác sĩ tập sự của Hàn Quốc đang đình công, dẫn đến số ca phẫu thuật tại các bệnh viện đa khoa giảm 50% và số bệnh nhân nhập viện giảm 24%.
Các phòng cấp cứu tại các bệnh viện quân đội đã được huy động phục vụ người dân, trong khi chính phủ ủy quyền cho các y tá tiến hành các thủ tục y tế thường do bác sĩ thực hiện.
Tổng thống Yoon Suk Yeol nói: “Đây không phải là vấn đề đàm phán hay thỏa hiệp. Thật khó để biện minh trong bất kỳ trường hợp nào cho một hành động tập thể lấy sức khỏe cộng đồng và mạng sống làm con tin, đồng thời đe dọa tính mạng và sự an toàn của con người”.
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đào tạo thêm nhiều bác sĩ để đề phòng một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra, khi xã hội già đi nhanh chóng làm tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Theo OECD, quốc gia này có số lượng bác sĩ bình quân đầu người thấp nhất trong số các nước phát triển, và có tỷ lệ thấp nhất nếu không tính những người hành nghề y học cổ truyền Hàn Quốc. Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc dự báo nước này sẽ thiếu hơn 27.000 bác sĩ vào năm 2035.
Tình trạng thiếu bác sĩ đặc biệt trầm trọng ở khu vực nông thôn và tỉnh lẻ, nơi người dân thường phải di chuyển quãng đường dài đến các trung tâm điều trị ở thành thị.
Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, tỷ lệ này còn giảm hơn nữa trong năm 2023 xuống còn 0,72 ca sinh trên mỗi phụ nữ - theo số liệu thống kê của chính phủ công bố ngày 28/2, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 2,1 để duy trì dân số.
Xứ kim chi được dự đoán sẽ trở thành một “xã hội siêu già” vào năm 2025, nghĩa là những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 20% dân số. Tỷ lệ đó dự kiến sẽ tăng lên 25,5% vào năm 2030 và 46,4% vào năm 2070.
Để chuẩn bị cho viễn cảnh đó, chính phủ muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc vào các trường y từ 3.058 lên 5.058 vào năm 2025, một phần trong kế hoạch bổ sung 10.000 bác sĩ cho lực lượng lao động vào năm 2035. Giới hạn này được tăng lần gần đây nhất là từ năm 1998.
Tuy nhiên, đề xuất đó bị Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) phản đối quyết liệt, với cáo buộc chính phủ không giải quyết được vấn đề lương giảm và điều kiện làm việc ngày càng tệ của các bác sĩ tập sự.
Phe đình công, bao gồm cả bác sĩ nội trú và thực tập sinh tại 5 bệnh viện hàng đầu của Seoul, cho rằng vấn đề hiện nay của Hàn Quốc không phải là thiếu nhân viên y tế mà là sự chênh lệch sâu sắc về lương theo chuyên môn và giữa khu vực nông thôn với thành thị.
Theo họ, đang tồn tại tình trạng thiếu nhân sự và chênh lệch thu nhập ở các khoa thiết yếu nhưng "kém hấp dẫn" như nhi khoa, sản khoa và phụ khoa. Các bác sĩ không mặn mà với những khoa này do dịch vụ mà họ cung cấp thường có chi phí thấp hơn các khoa "hấp dẫn" như phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu, nơi chi phí điều trị không bị giới hạn, do không được bảo hiểm y tế chi trả.
Những người đình công viện dẫn chi phí sinh con thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra cho một thủ thuật điều trị da bằng laser đơn giản, khiến nhiều sinh viên đổ xô đăng ký ngành phẫu thuật thẫm mỹ thay vì sản khoa.
Joo Su-ho, người phát ngôn của KMA cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là vấn đề hiện tại không liên quan gì đến số lượng bác sĩ”.
Chính phủ cho biết họ sẽ chi hơn 10 nghìn tỷ won (7,5 tỷ USD) để cải cách hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia nhằm giảm sự chênh lệch giữa các chuyên ngành và khu vực. Nhưng các công đoàn y tế vẫn cho rằng gói này chưa đủ.
Dù vậy họ vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích rằng các công đoàn ngành y tế đã hành động “quá tay”, lưu ý rằng các bác sĩ Hàn Quốc được hưởng các mức thu nhập cao hàng đầu trong OECD.
Yoon Kim, giáo sư chính sách và quản lý y tế tại Đại học Y khoa Quốc gia Seoul, cho biết: “Các bác sĩ Hàn Quốc kiếm được rất nhiều tiền vì trong 20 năm qua họ đã kiểm soát các chính sách của chính phủ để tối đa hóa quyền lực độc quyền của mình”.
Jeongmin Kim, nhà phân tích chính của dịch vụ thông tin Korea Pro có trụ sở tại Seoul, cho biết làn sóng đình công không thu hút được nhiều sự đồng tình của công chúng. “Mọi người dường như đều đồng ý rằng đất nước cần nhiều bác sĩ hơn, ngoại trừ chính các bác sĩ”, ông Kim nói, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình bế tắc đã thúc đẩy sự ủng hộ dành cho Tổng thống Yoon và đảng cầm quyền của ông trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4.
Trong khi đó, cảnh sát Seoul tuần này công bố điều tra các nhà lãnh đạo công đoàn xung quanh cáo buộc tham gia vào các mối đe dọa, ép buộc và vi phạm luật y tế.
Nhưng phát ngôn viên Joo của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc vẫn không lùi bước. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bắt đầu việc này nếu chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ nhượng bộ trước sự đe dọa của chính phủ. Chúng tôi không sợ bất cứ điều gì".