Đây cũng là lần đầu tiên có cuộc "đấu khẩu" trực tiếp giữa tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống tại Mỹ.
Buổi tranh luận sẽ được truyền trực tiếp trên khung giờ vàng từ trường quay thuộc "đại bản doanh" của đài truyền hình CNN ở thành phố Atlanta, bang Georgia, với thời lượng dự kiến là 90 phút. Hai phóng viên kỳ cựu của CNN là Jake Tapper và Dana Bash sẽ đóng vai trò điều phối cuộc tranh luận. Các ứng cử viên sẽ đứng phát biểu sau bục gỗ và đồng xu may rủi đã xác định Tổng thống Biden sẽ đứng bên phải màn hình theo hướng nhìn của khán giả, còn người phát biểu cuối cùng để khép lại cuộc tranh luận sẽ là ông Trump.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1976, cuộc tranh luận sẽ không có khán giả trong trường quay. Dư luận cho rằng điều này có thể gây ra vấn đề cho cả hai, nhưng có lẽ đặc biệt là đối với ông Trump, người vốn rất biết cách thu hút năng lượng từ một đám đông cuồng nhiệt. Là một cựu ngôi sao truyền hình thực tế, ông Trump có kinh nghiệm dày dạn trong bối cảnh trường quay, trong khi Tổng thống Biden cũng từng có bài phát biểu từ Nhà Trắng mà không có khán giả. "Chìa khóa" để tranh luận thành công có thể là ứng cử viên nào khiến hình thức này hoạt động hiệu quả nhất bằng cách kết nối trực quan với người xem tại nhà.
Về thể thức, các ứng cử viên tổng thống sẽ không có phát biểu mở màn nhưng sẽ có 2 phút phát biểu kết thúc vào cuối cuộc tranh luận. Hai người dẫn chương trình sẽ đưa ra các câu hỏi cho các ứng cử viên và mỗi người sẽ có 2 phút trả lời. Sau đó, mỗi ứng cử viên có 1 phút để bình luận về câu trả lời và thêm 1 phút để phản hồi bình luận của đối phương. Micro của các ứng cử viên có chế độ tắt tự động và chỉ được bật khi đến đúng lượt phát biểu của từng người.
Điều này nhằm tránh lặp lại tình huống cuộc tranh luận bị gián đoạn nhiều lần như cuộc tranh luận giữa ông Biden và ông Trump trước cuộc bầu cử năm 2020 khi cả hai đều tranh thủ "cướp diễn đàn" của nhau, biến sự kiện thành một cuộc cãi vã. CNN nhấn mạnh người dẫn chương trình sẽ vận dụng tất cả các công cụ có trong tay để đảm bảo cuộc tranh luận diễn ra một cách lịch sự và đúng thời lượng cho phép.
Ngoài ra, hai ứng cử viên sẽ không được mang theo những ghi chú viết sẵn hoặc đạo cụ lên sân khấu tranh luận, thay vào đó sẽ được cung cấp giấy bút và nước uống. Các nhân viên của hai ban vận động tranh cử cũng không được phép nói chuyện hoặc tương tác với ứng cử viên của mình cho đến khi cuộc tranh luận kết thúc. CNN bố trí 2 lượt nghỉ trong cuộc tranh luận để chiếu thông tin quảng cáo về các nhà tài trợ. Đây là cơ hội để các ứng cử viên nghỉ ngơi, lấy lại bình tĩnh và điều chỉnh chiến thuật nếu cần thiết. Tuy nhiên, các ứng cử viên không được phép hội ý với đội ngũ cố vấn.
Liên quan đến việc CNN cài đặt chế độ tắt tự động micro, báo chí Mỹ nhận định đây trước hết là “điểm bất lợi” cho cựu Tổng thống Trump, người có cách phát biểu lan man và hay lấn thời gian của các ứng cử viên khác để “nói bù” những nội dung còn thiếu. Tuy nhiên, êkíp của Tổng thống Biden cũng không hẳn đã hài lòng về quy định này vì một trong những cách tiếp cận có thể giúp ông giành chiến thắng trong cuộc tranh luận là “hãy cứ để ông Donald Trump hành xử đúng với bản chất con người của ông ấy”.
Cuộc "đấu khẩu" đầu tiên giữa hai chính khách kỳ cựu diễn ra trong bối cảnh phần lớn các cuộc thăm dò thời gian qua cho thấy cựu Tổng thống Trump duy trì lợi thế, trong khi Tổng thống Biden gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp. Tuy nhiên, sau khi ông Trump bị một tòa án ở New York kết luận phạm 34 tội danh trong vụ án làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, quan điểm của dư luận Mỹ nói chung đã có những thay đổi nhỏ theo hướng có lợi cho Tổng thống Biden.
Theo kết quả thăm dò của Fox News công bố ngày 19/6, Tổng thống Biden đang dẫn trước ông Trump 2 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên ông Biden dẫn trước đối thủ kể từ tháng 10/2023. Mặc dầu vậy, ông Trump vẫn đang dẫn trước ở 6 bang chiến trường (gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin), cho thấy việc ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng bị kết tội không làm ảnh hưởng đến nỗ lực tranh cử của ông tại các bang này, vốn được cho là có ý nghĩa quyết định đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Mặc dù người điều phối của CNN sẽ quyết định các câu hỏi, nhưng giới quan sát nhận định các chủ đề thảo luận có thể bao gồm cách các ứng cử viên giải quyết những thách thức do giá hàng hóa liên tục tăng cao, vấn đề người di cư ở biên giới Mỹ-Mexico, cuộc chiến Israel-Hamas và xung đột Nga-Ukraine. Dự kiến, đội cố vấn của Tổng thống Biden sẽ tham mưu cho ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng xoáy sâu vào vấn đề nạo phá thai, trong khi êkíp của ông Trump chuẩn bị cho cựu Tổng thống nhấn mạnh vấn đề nhập cư.
Ngoài ra, các chủ đề khác như vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021, nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và việc ông bị kết án trong vụ trả tiền bịt miệng, cũng như những rắc rối pháp lý mà con trai Tổng thống Biden là Hunter Biden phải đối mặt có thể xuất hiện trong cuộc tranh luận.
Các nguồn tin giấu tên trong đội ngũ vận động tranh cử của hai ứng cử viên cho biết cả hai có cách thức chuẩn bị rất khác nhau cho cuộc tranh luận. Tổng thống Biden, sau khi kết thúc hai chuyến thăm liên tiếp tới châu Âu với các điểm dừng chân là Pháp và Italy, đã dành nhiều thời gian tại văn phòng và Trại David để cùng với các cố vấn thân tín luyện tập và tĩnh dưỡng. Ưu tiên của êkíp Tổng thống Biden là chuẩn bị cho ông sức khỏe cần thiết để có thể đứng phát biểu trong 90 phút, cùng “tinh thần thép” để ứng phó với ông Trump.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump lại có quá trình chuẩn bị tương đối sơ sài vì tin rằng mình thể hiện tốt nhất trong những khoảnh khắc “tùy hứng”. Jason Miller, một cố vấn thân tín của ông Trump, khẳng định một nhà lãnh đạo “đẳng cấp” như ông không cần cấp dưới “cầm tay chỉ việc”. Một số thành viên khác trong đội ngũ trợ lý cho biết ông coi các phát biểu vận động tranh cử như các đợt tập dượt cho cuộc tranh luận. Tuy nhiên, ông Trump vẫn tổ chức một số buổi tham vấn với các thành viên chủ chốt trong đảng Cộng hòa, trong đó có cuộc gặp hẹp với các thượng nghị sĩ Marco Rubio và Eric Schmitt tại trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng này.
Ông Biden, 81 tuổi, và ông Donald Trump, 78 tuổi, là những ứng cử viên lớn tuổi nhất từng tranh cử tổng thống và các cử tri chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về khả năng nhận thức cũng như sự ổn định về mặt cảm xúc của họ. Các trợ lý của ông Trump cho rằng Tổng thống Biden là người dễ mắc sai sót trong lời nói và điều này có thể làm tăng thêm mối quan ngại của cử tri về tuổi tác của ông. Trong khi đó, đội ngũ của Tổng thống Biden cho rằng các cuộc tranh luận có thể gây tổn hại cho ông Trump khi làm bộc lộ tính thất thường và việc cựu tổng thống đôi khi bất ngờ thay đổi quan điểm về các vấn đề.
Tranh luận trực tiếp thường được coi là đỉnh điểm của cuộc vận động tranh cử, thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng chục triệu người (hơn 73 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai chính khách này vào năm 2020). Các cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp không quyết định đến kết quả bầu cử, nhưng có tác động rất quan trọng tới quyết định của cử tri, nhất là những ai còn lưỡng lự chưa biết bầu chọn cho ứng cử viên nào.
Một lần nữa, định mệnh lại đưa hai nhân vật "kỳ phùng địch thủ" có màn tranh luận trực tiếp với nhau sau 4 năm. Truyền thông Mỹ nhận định cuộc tranh luận lần này sẽ là “phép thử” đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của các ứng cử viên, cho rằng cả hai sẽ ít nhiều lúng túng vì lần cuối cùng họ phải tranh luận trực tiếp với một đối thủ chính trị là hồi tháng 10/2020. Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhận định Tổng thống Biden đã có cuộc “thử lửa” thành công với Thông điệp liên bang đầu năm 2024 và nếu giữ được nhiệt huyết cùng “cái đầu lạnh” trong suốt quá trình tranh luận, ông sẽ có màn thể hiện xuất sắc, tạo bước đệm quan trọng cho cuộc tranh luận thứ hai vào ngày 10/9 tới do đài truyền hình ABC chủ trì.