Cuộc đua đảm bảo nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 ở Australia

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng ở Australia được đánh giá là chậm so với nhiều quốc gia khác, khi mới chỉ 7,2% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cuộc đua để có được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 tại nước này đang được ví như “đấu trường sinh tử”.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho người dân tại Melbourne, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong buổi họp báo ngày 5/7, công bố 35 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở bang New South Wales, Bộ trưởng Y tế bang này Brad Hazzard nhấn mạnh: “Đấu trường sinh tử sẽ vẫn diễn ra ở bang cho đến khi chúng tôi có đủ vaccine và đủ nhân viên y tế tuyến đầu cho công tác tiêm chủng”.

Trong buổi họp báo cùng ngày, Thủ hiến bang Queensland, bà Annastacia Palaszczuk, cũng bày tỏ sự thất vọng. Bà đồng thời cho biết mỗi tuần, bang này mới chỉ nhận được khoảng 65.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech từ chính quyền liên bang, ít hơn nhiều so với nhu cầu và năng lực tiêm chủng ở bang.

Giải thích về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Y tế liên bang Greg Hunt nêu rõ thế giới đang trong “cuộc cạnh tranh lớn nhất” về nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, ông cam kết chính quyền liên bang sẽ phân phối nhiều liều vaccine hơn cho các địa phương trong tháng 7 này cũng như các tháng tiếp theo của năm 2021.

Tính đến cuối tuần qua, Australia đã tiêm được 8,25 triệu liều vaccine trên cả nước, với khoảng 17,5% tổng số người dân được tiêm liều đầu tiên và 7,2% dân số được tiêm đủ 2 liều. Hôm 3/7, Thủ tướng Scott Morrison đã đề ra kế hoạch 4 giai đoạn đưa Australia vượt qua đại dịch dựa trên ngưỡng tiêm chủng đạt được ở mỗi giai đoạn. Trong khi các ngưỡng cụ thể sẽ được các chuyên gia y tế xác định và công bố trong thời gian tới, đã có ý kiến cho rằng Australia cần đạt được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 60% trong giai đoạn đầu tiên.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Malaysia đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Tiêm chủng công nghiệp tại nhà ga số 1 của Sân bay quốc tế Kuala Lumpur nhằm tăng tốc tiêm chủng cho lao động ngành hàng không.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Wee Ka Siong nêu rõ cùng với việc khởi động trung tâm tiêm chủng trên, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động ngành hàng không cũng sẽ bắt đầu. Chương trình tiêm chủng dự kiến kéo dài tới ngày 24/9 nhằm tăng tốc tiêm chủng cho 22.243 người lao động ngành hàng không và lĩnh vực liên quan.

Theo Bộ trưởng Wee Ka Siong, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học, công nghệ và sáng tạo, Bộ Y tế để tiêm chủng cho người lao động trong ngành giao thông vận tải, phối hợp với Ban Công tác đặc biệt điều phối quốc gia về dịch COVID-19 (CITF) nhằm đảm bảo Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 có thể hoàn thành việc tiêm chủng cho lao động trong lĩnh vực giao thông vận tải với thời gian nhanh nhất.

Ngoài ngành hàng không, Bộ Giao thông vận tải Malaysia còn đẩy nhanh việc tiêm chủng cho 19.259 nhân viên đường sắt và xe buýt. Bộ trên và CITF cũng đang hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng miễn phí cho 355.064 người làm nghề lái taxi truyền thống, taxi công nghệ và nhân viên giao hàng.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan, nên Chính phủ Đức đang kêu gọi tăng tỷ lệ tiêm chủng lên 80% dân số để ngăn chặn biến thể này.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc thảo luận của ban lãnh đạo đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã cảnh báo mức độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, đồng thời yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng cũng phải được nâng cao hơn để ngăn chặn đà lây nhiễm này. Theo Thủ tướng Merkel, tỷ lệ tiêm chủng cần phải nâng lên 80% dân số.

Thủ tướng Merkel cho biết trẻ em chưa được tiêm chủng là đối tượng dễ bị tổn thương trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, do đó, bảo vệ chống lây nhiễm tại các trường học vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống đại dịch thời gian tới. Tuy nhiên, tại các quốc gia khác, tỷ lệ nhập viện ở những người nhiễm biến thể Delta không quá cao.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, chiến dịch tiêm chủng vẫn đang tiến triển tốt, nhưng tốc độ có phần chậm lại, chủ yếu do tâm lý của người dân không đến tiêm chủng theo lịch hẹn. Bộ trưởng Spahn cho rằng cần có quy định ràng buộc giữa việc tiêm chủng và hoạt động hằng ngày của người dân. Chẳng hạn hoạt động tham dự các trận đấu thể thao, phải có sự khác biệt giữa những người đã tiêm chủng với người chưa tiêm chủng, qua đó khuyến khích người dân tiêm chủng nhiều hơn.

Liên quan vấn đề này, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định sẽ không có quy định phạt người bỏ lịch hẹn tiêm chủng, thay vào đó kêu gọi những người không thể hoặc không muốn giữ lịch hẹn tiêm chủng hủy sớm lịch hẹn để tạo cơ hội cho người khác. Ông cũng kêu gọi người dân đi tiêm phòng để không chỉ bảo vệ bản thân, mà còn bảo vệ gia đình và những người xung quanh.

Về việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, bất chấp sức ép từ nhiều chính trị gia yêu cầu cần thực hiện tiêm chủng cho lứa tuổi này, Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) vẫn tỏ ra thận trọng. Tiến sỹ Martin Terhardt từ ủy ban này cho biết STIKO nhận thức được "các yêu cầu khác nhau của giới chính trị", tuy nhiên STIKO tiếp tục cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách một ủy ban độc lập trong việc phát triển các khuyến nghị tiêm chủng dựa trên các bằng chứng chính xác, cụ thể. Theo Tiến sỹ Martin Terhardt, các dữ liệu hiện có cho đến nay chưa thể cung cấp đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của vaccine đối với nhóm tuổi này.

Theo số liệu từ Viện Robert Koch (RKI) và Bộ Y tế Đức, tính đến nay, đã có 56,5% dân số Đức được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó ,9% đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo các kết quả nghiên cứu hiện nay, những người được tiêm chủng đầy đủ có khả năng tự bảo vệ tương đối cao đối với tình trạng bệnh chuyển biến nặng, ngay cả đối với biến thể Delta.

Nguyễn Minh - Hà Ngọc - Vũ Tùng (TTXVN)
Dấu hỏi về khả năng biến thể Delta làm giảm hiệu quả của vaccine
Dấu hỏi về khả năng biến thể Delta làm giảm hiệu quả của vaccine

Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở Israel, quốc gia mà phần lớn người dân đã tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, là "tín hiệu ban đầu" cho thấy biến thể Delta có thể làm giảm hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mức độ nhẹ. Đây là cảnh báo của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Israel về dịch COVID-19, ông Ran Balicer, đưa ra ngày 5/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN