'Cuộc đua' khẩn cấp vì nhân loại

“Tôi đã suýt mất mạng vì cố gắng cứu xe ô tô của mình” - Yilmaz Ersevenli, một người dân ở thị trấn Bozkurt thuộc tỉnh Kastamonu, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, chưa hết bàng hoàng sau khi thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của dòng nước lũ chảy xiết đã cuốn phăng cả nhà, cả xe và cả cái cây, vật được coi là “phao cứu sinh” của anh trong giây phút sinh tử. Ersevenli là một trong số những người may mắn sống sót trong trận lũ quét dữ dội hoành hành ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua, vốn đã khiến hơn 70 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau trận lũ lụt tại thị trấn Bozkurt, tỉnh Kastamonu, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Không chỉ ở lũ lụt miền Bắc, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn để ngăn chặn thảm họa “kép” khi các đám cháy rừng bùng phát mạnh ở miền Nam kể từ đầu tháng 8. Đợt cháy rừng mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, xóa sổ những khu rừng nguyên sơ cũng như những vùng đất nông nghiệp trù phú trên khắp các bờ biển Địa Trung Hải và Aegean. Diện tích các đám cháy rừng trong vài tuần qua ở nước này đã lớn hơn gấp 3 lần diện tích rừng bị cháy trung bình hằng năm.

Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài do tình trạng biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều nước giáp khu vực Địa Trung Hải, từ Hy Lạp, Pháp, Italy, Tây Ban Nha tới Israel, Algeria và Maroc đang oằn mình chống chọi với các đám cháy rừng nghiêm trọng. Riêng đợt cháy rừng được cho là kinh hoàng nhất trong lịch sử Algeria đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 90 người trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, thế giới đã chứng kiến những hậu quả tàn khốc của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trận lũ lịch sử ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khiến hơn 300 người thiệt mạng. Hơn 100 người chết trong trận lụt ở tỉnh Nurestan, Đông Bắc Afghanistan. Trước đó là đợt lũ khủng khiếp, được đánh giá là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn 200 người đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương và nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gây thiệt hại hàng tỷ euro cho các nước Đức, Bỉ, Áo... Bên kia bờ Đại Tây Dương, Bắc Mỹ hứng chịu những các đợt sóng nhiệt kỷ lục, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Mỹ và hơn 700 người tại khu vực Tây Canada. Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7 vừa qua là tháng 7  nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại.

Những dữ liệu trên cho thấy biến đổi khí hậu thực sự là một vấn đề chung khẩn cấp của thế giới. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết từ năm 2000-2019, thế giới ghi nhận hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên lớn, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 20 năm trước đó. Khi biến đổi khí hậu càng gay gắt, các hiện tượng thời tiết cực đoan càng tăng mạnh, số lượng nạn nhân của khủng hoảng khí hậu càng nhiều.

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health của Pháp, nhiệt độ thay đổi bất thường liên tục do tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm. Thiên tai mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 10 triệu người trên thế giới, ảnh hưởng lâu dài đến đến cuộc sống của hàng tỷ người.

Trong khi đó, số liệu do Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) công bố cho thấy trong thập niên qua, các cuộc khủng hoảng liên quan đến thời tiết đã khiến khoảng 21,5 triệu người phải di cư mỗi năm, gấp hai lần so với số người phải bỏ nhà cửa do xung đột và bạo lực. Trong bối cảnh làn sóng di cư vì biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở thành thách thức lớn, các nhà khoa học dự báo, đến năm 2050, thế giới có khoảng 1 tỷ người tị nạn khí hậu. Các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi sẽ đối mặt với những rủi ro lớn nhất do hiện tượng ấm dần lên của Trái Đất trong 30 năm tới. Từ nay đến năm 2080, biến đổi khí hậu có thể khiến khoảng 1/5 dân số thế giới phải bỏ quê quán.

Ngoài những hậu quả trực tiếp là phải di cư, UNHCR còn cho rằng biến đổi khí hậu cũng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khác, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, mất an ninh lương thực, thiếu nước sạch và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác mà cộng đồng dựa vào để tồn tại. Theo UNHCR, trên toàn thế giới, 80% người phải di cư đang sống ở những khu vực chịu ảnh hưởng của tình trạng suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn, ước tính từ nay đến năm 2080, sẽ có từ 1 tỷ đến 3 tỷ người bị thiếu nước ngọt để sinh hoạt, từ 200 đến 600 triệu người bị thiếu ăn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), biến đổi khí hậu cũng có thể khiến hơn 100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030.

Do đó, cuộc khủng hoảng khí hậu không đơn thuần là những hiện tượng thời tiết cực đoan gây tổn thất về tài sản mà đã trở thành “tình trạng khẩn cấp nhân đạo nghiêm trọng”, theo đánh giá của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC). LHQ cũng cảnh báo tình trạng Trái Đất nóng lên là nguyên nhân khiến số người cần hỗ trợ nhân đạo quốc tế có thể tăng 50% vào năm 2030 so với 108 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo năm 2018.

Ngày Nhân đạo thế giới năm nay (19/8), Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) nhấn mạnh đến hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với những người dễ bị tổn thương nhất. OCHA kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để ngăn chặn biến đổi khí hậu và giảm thiểu những tác động của tình trạng này đối với cuộc sống và sinh kế của hàng trăm triệu người trên thế giới. Sự kiện trọng tâm của ngày Nhân đạo thế giới 2021 là “Cuộc đua khẩn cấp vì nhân loại”.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với “thách thức kép” của dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu, LHQ đã phát động cuộc đua về khí hậu mang tên “TheHumanRace”, bằng cách ghi lại 100 phút hoạt động thể chất, như chạy, đạp xe, bơi lội, đi bộ hoặc bất kỳ hoạt động nào khác trên ứng dụng tập thể dục Strava trong tuần từ ngày 16 – 31/8, để gửi một thông điệp khẩn cấp về khí hậu tới các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới. Thông qua việc tham gia “cuộc đua vì nhân loại”, LHQ kêu gọi mọi người thể hiện tình đoàn kết với người dân của các quốc gia chịu nhiều thiên tai và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, khi mà tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang tàn phá khắp thế giới trên quy mô mà các nhóm dân cư và các tổ chức nhân đạo ở tuyến đầu không thể quản lý được. Hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt tàn phá đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người, khiến hàng triệu người mất nhà cửa, sinh kế và sự sống. Đó là những gì sẽ tiếp diễn nếu chúng ta không hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu.

LHQ kêu gọi các quốc gia tăng cường bảo vệ và hỗ trợ những người phải di cư do thiên tai, tập trung vào việc giảm suy thoái môi trường ở những nơi mà người dân đã phải di cư và giúp họ thích ứng với những tác động có thể dự báo trước của biến đổi khí hậu. Trong một chương trình hành động thực tế tại Bangladesh, LHQ và các đối tác đã giúp người tị nạn Rohingya giảm nguy cơ bị lũ lụt và lở đất do các cơn bão theo mùa gây ra bằng cách trồng cây phát triển nhanh để ổn định sườn đồi, cung cấp nguồn năng lượng thay thế củi để đun nấu. Bên cạnh đó, LHQ cũng hỗ trợ các quốc gia còn hạn chế về phương tiện và nguồn lực trong dự báo cũng như ứng phó với với tình trạng phải di cư do thiên tai gây ra. Ở cấp quốc gia, các chính phủ cũng đã triển khai những chương trình nhằm phòng ngừa và khắc phục thảm họa thiên tai.

Tuy nhiên, những hành động mang tính khắc phục là chưa đủ để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người cũng như tài sản mà những thảm họa thiên nhiên gây ra. Giới chuyên gia nhận định giải pháp trước mắt hiện nay là giúp những người dễ bị tổn thương, những người bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và tác động của biến đổi khí hậu, từ thế “bị động” sang thế “chủ động” thích ứng với sự thay đổi bất thường của thời tiết. Song song với đó, về mặt dài hạn, mỗi cá nhân, cộng đồng và chính phủ cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Báo cáo khí hậu mới nhất được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ công bố đã chỉ ra rằng nếu muốn đảo ngược tình hình, nhân loại chỉ có một cách duy nhất là cùng phối hợp hành động để đạt mục tiêu chấm dứt việc thải thêm khí CO2 vào bầu khí quyển vào năm 2050, đồng thời các nước phát triển thực hiện cam kết mỗi năm dành 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi phát động "cuộc đua khẩn cấp vì nhân loại" Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã nhận định: “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu là một cuộc chạy đua mà chúng ta đang thua, nhưng đó là một cuộc đua mà chúng ta có thể thắng” bằng chiến dịch đoàn kết cùng hành động chống biến đổi khí hậu.

Trần Quyên (TTXVN)
Ít nhất 40 người mất tích, 77 người thiệt mạng do lũ quét ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ít nhất 40 người mất tích, 77 người thiệt mạng do lũ quét ở Thổ Nhĩ Kỳ

Theo số liệu cập nhật đến ngày 16/8, có 77 người thiệt mạng và ít nhất 40 người vẫn mất tích ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi lũ quét tràn vào nhiều vùng thuộc Biển Đen trong tuần trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN