Cuộc gặp Trump - Kim mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới

Các nhà bán lẻ Hàn Quốc tỏ ra lạc quan về những cơ hội kinh doanh mới ở Triều Tiên sau khi mối quan hệ liên Triều được nối lại gần đây và Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa có cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào ngày 12/6.

Sau các cuộc đàm phán tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung, trong đó ông Kim tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
 
Trước diễn biến này, một quan chức của Lotte Group cho biết tập đoàn này sẽ tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ với Triều Tiên, không chỉ trong hoạt động trợ giúp nhân đạo mà còn mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa- xã hội. Lotte Group, tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc, trước đó đã thông báo kế hoạch thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tăng cường sự hiện diện của Lotte ở khu vực phía bắc, bao gồm Triều Tiên, Nga và ba tỉnh đông bắc Trung Quốc. Theo các nguồn tin trong ngành, Lotte đang xem xét đưa mảng kinh doanh bánh kẹo và nước giải khát của mình vào thị trường Triều Tiên.
 
Một công ty khác trong ngành thực phẩm của Hàn Quốc là Sempio Co. trước đó cũng cho biết đang dõi theo diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh tiềm năng. 

Cùng ngày 12/6, lãnh đạo một số công ty xây dựng Hàn Quốc cho biết đang tiến hành các bước chuẩn bị cho những cơ hội tiềm năng tại Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Một lãnh đạo của công ty Daewoo E&C cho biết công ty đang chuẩn bị các bước cần thiết để thắng thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Triều Tiên nếu hai miền nối lại hợp tác kinh tế và cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Mới đây, công ty đã thành lập một đội hỗ trợ kinh doanh tại Triều Tiên và bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan đến các dự án tiềm năng tại đây. Trong khi đó, nhiều tập đoàn và công ty xây dựng khác như Samsung C&T và Daelim cũng thành lập các đội chuyên trách nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Triều Tiên.

Các nhà quan sát ngành đã và đang tập trung dõi theo các diễn biến sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều để tiên đoán liệu các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng có được dỡ bỏ hay không, một điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập thị trường Triều Tiên.

Xe tải chở hàng hóa tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, biên giới Trung Quốc - Triều Tiên ngày 5/9/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Không chỉ ở Hàn Quốc mà người dân của tỉnh Đan Đông (của Trung Quốc) nằm ở biên giới giáp với Triều Tiên, là nơi có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên, cũng hy vọng rằng sự kiện này sẽ dẫn đến hòa bình và thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Là cửa ngõ cho phần lớn hoạt động thương mại quốc tế của Triều Tiên, nền kinh tế của tỉnh Đan Đông lâu nay vẫn phụ thuộc vào quốc gia láng giềng phía bắc này, và hàng chục năm qua, người dân ở đây đã bao lần trải qua các cung bậc cảm xúc lạc quan rồi lại thất vọng. Những dấu hiệu của việc mở cửa nền kinh tế Triều Tiên sau chuyến thăm của ông Kim đến Bắc Kinh hồi tháng Ba vừa qua đã làm dấy lên “cơn cuồng” đầu tư bất động sản ở Đan Đông.

Khánh Ly (TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Cơ hội mới cho hoạt động trao đổi liên Triều
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Cơ hội mới cho hoạt động trao đổi liên Triều

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên diễn ra tại Singapore ngày 12/6 đã góp phần mở ra hy vọng mới cho các hoạt động kinh doanh, xây dựng và trao đổi sinh viên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN