Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại cuộc họp diễn ra ngày 11/2, hai bên ghi nhận rằng năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU), mong chờ Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm ASEAN - EU sẽ được tổ chức trong năm nay tại Brussels (Bỉ) với những kết quả thực chất và cùng có lợi.
Trao đổi quan điểm về những diễn biến gần đây ở cả hai khu vực, trong đó có các vấn đề cùng quan tâm, hai bên đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar.
Hai bên đã đánh giá 4 năm thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - EU 2018-2022 và hoan nghênh những thành tựu quan trọng đã đạt được với hơn 88% dòng hành động đã hoàn thành hoặc đang được thực hiện và mong muốn sớm hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2027.
Hai bên hoan nghênh việc EU thông qua Chương trình định hướng quan hệ song phương và khu vực giai đoạn 2021-2027 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó dự trù cấp 180 triệu euro nhằm thúc đẩy quan hệ với ASEAN và các nước thành viên.
Hai bên đánh giá cao Đối thoại chuyên gia EU - ASEAN lần thứ hai về vaccine ngừa COVID-19 được tổ chức vào ngày 25/5/2021. ASEAN đã ghi nhận sự đóng góp của EU với tư cách là nhà xuất khẩu vaccine lớn nhất trên thế giới và việc cung cấp hơn 3 tỷ euro viện trợ và các khoản vay đảm bảo cho Cơ chế COVAX để mua, bảo đảm và cung ứng vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình, cũng như đẩy nhanh tiến độ, năng lực sản xuất và cung ứng.
Hai bên nhấn mạnh nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ hậu đại dịch, cho phép ASEAN và EU “xây dựng trở lại tốt hơn”, xanh hơn và bền vững hơn, bao trùm và linh hoạt hơn, trong đó có việc thực hiện của Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN cũng như Cơ chế phục hồi và thích ứng của EU.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng và cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của Nhóm công tác chung về dầu cọ giữa các quốc gia thành viên ASEAN có liên quan và EU trong việc giải quyết các cơ hội và thách thức ngày càng tăng trong sản xuất dầu thực vật bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực dầu cọ.
Hai bên hoan nghênh kết quả Đối thoại cấp cao ASEAN-EU lần thứ 3 về môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 16/9/2021, đồng thời ủng hộ việc khởi động dự án “Thành phố xanh thông minh ASEAN” trị giá 5 triệu euro, đối thoại về công nghệ xanh và lập bản đồ về chất thải nhựa và sản xuất bền vững.
Hai bên đánh giá cao các cuộc đối thoại chính sách thực chất và sâu rộng giữa các chuyên gia EU và các đối tác ASEAN với sự hỗ trợ của Công cụ tăng cường đối thoại khu vực EU - ASEAN (E-READI), thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính sách cùng quan tâm; nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác kinh tế và ghi nhận các nỗ lực nhằm gia tăng và củng cố hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư hai chiều giữa ASEAN và EU nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi toàn diện của hai khu vực, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Hai bên ủng hộ kế hoạch tăng cường hợp tác kỹ thuật số được thể hiện trong Tuyên bố chung của Bộ trưởng ASEAN - EU về kết nối, phù hợp với tầm nhìn của Kế hoạch tổng thể về kỹ thuật số ASEAN 2025; hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU (AE-CATA) và mong muốn nhanh chóng ký kết hiệp định này.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, được khẳng định trong Tuyên bố ASEAN - EU về hợp tác an ninh mạng được thông qua vào năm 2019; hoan nghênh sự can dự ngày càng tăng giữa ASEAN và EU trong một loạt vấn đề liên quan đến an ninh và quốc phòng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại ASEAN - EU về an ninh, quốc phòng và quản lý khủng hoảng. Hai bên mong đợi Đối thoại cấp cao ASEAN-EU lần thứ 5 về hợp tác an ninh hàng hải cùng Hội thảo an ninh và quốc phòng EU - ASEAN lần thứ 5.
Cũng tại cuộc họp, hai bên đã tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, cũng như tôn trọng và thúc đẩy luật pháp quốc tế, các quy tắc và tiêu chuẩn được quốc tế thống nhất, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.