Cuộc khủng hoảng Catalonia liệu đã tới hồi kết?

Cuối cùng chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã thực hiện các bước đi cần thiết để nắm quyền kiểm soát trực tiếp vùng lãnh thổ Catalonia chiểu theo Điều 155 của Hiến pháp, ngay sau khi Hội đồng lập pháp Catalonia vượt qua “giới hạn đỏ”, bỏ phiếu ủng hộ vùng lãnh thổ này đơn phương tuyên bố độc lập.

Người dân tham gia tuần hành cuộc tuần hành ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất tại Barcelona ngày 29/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định của Chính phủ Tây Ban Nha giải tán Hội đồng lập pháp Catalonia, cách chức Thủ hiến Carles Puigdemont và toàn bộ ban lãnh đạo chính quyền vùng, là biện pháp mạnh cần thiết nhằm ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định chính trị tại quốc gia Nam Âu này, thậm chí đe dọa sự tồn vong của một nhà nước Tây Ban Nha thống nhất. 

Một cuộc bầu cử địa phương ở Catalunya, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21/12 tới, được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua, vốn bùng phát sau khi chính quyền vùng tự trị Catalunya tổ chức cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp để tách vùng này khỏi Tây Ban Nha.

Trước mắt, Chính phủ Tây Ban Nha đã và đang xúc tiến những thủ tục cần thiết để tiếp quản và điều hành các ban, ngành của vùng Catalonia, trong đó Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Sáenz de Santamaría đã được chỉ định giữ vai trò đứng đầu điều hành vùng lãnh thổ này cho tới khi có thể tổ chức một cuộc bầu cử. 

Từ ngày 30/10, giới công chức cũng như người dân Catalunya đã bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Bộ Kinh tế Tây Ban Nha cũng tăng cường kiểm soát tài chính đối với vùng Catalonia.

Cùng với đó, chính quyền trung ương đã thực thi những biện pháp mang tính pháp lý đối với các cựu quan chức được coi là đứng đằng sau ý đồ ly khai của vùng Catalonia. Cựu Thủ hiến Puigdemont, người được cho là đã đến Brussels để gặp các luật sư và có thể đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại Bỉ, bị cáo buộc tội danh nổi loạn và kích động ly khai. 

Với việc chính quyền trung ương tuyên bố sẽ khởi tố, ông này có thể bị bắt giữ và nếu bị kết án có thể phải chịu mức phạt tới 30 năm tù giam. Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng Catalunya, Carme Forcadell cũng đang đối mặt với tội danh tương tự. Ngoài ra, những nhân vật này còn bị buộc tội bất tuân dân sự và sử dụng sai ngân quỹ.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha cũng ra lệnh cách chức Chỉ huy lực lượng Mossos d’Esquadra (lực lượng cảnh sát địa phương ở Catalonia), Josep Lluís Trapero, người đang bị buộc tội “xúi giục nổi loạn” và ủng hộ ly khai do đã để xảy ra cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp hôm 1/10. 

Ngoài ra, Madrid cũng đang tiến hành sa thải hàng trăm công chức khác ở Catalonia vốn có liên quan đến âm mưu kích động để đòi tách vùng này khỏi Tây Ban Nha. Kể từ hôm 27/10 đến nay, các phái đoàn đại diện của Catalonia ở Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Canađa, Mexico, Áo, Italy, Bồ Đào Nha và Đan Mạch cũng đã bị giải tán. Đại diện thường trực của chính quyền Catalonia cũ tại Liên minh châu Âu (EU) đã từ chức.

Các cuộc tuần hành tại nhiều nơi ở Tây Ban Nha trong vài ngày qua ủng hộ sự thống nhất và đoàn kết đất nước, cho thấy đa số người dân ủng hộ những bước đi mạnh tay mà Chính phủ Tây Ban Nha đang áp dụng để ngăn chặn kế hoạch ly khai của Catalonia. Cuộc tuần hành ở thủ phủ Barcelona của  Catalonia ngày 29/10, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra ở Catalonia.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất của hãng Metroscopia cho thấy có tới 52% số người Catalonia được hỏi ý kiến nói rằng họ ủng hộ việc giải tán Hội đồng lập pháp địa phương và tổ chức cuộc bầu cử mới. 

Trong khi đó, các nước châu Âu coi Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và phải do nước này tự giải quyết. Về cơ bản, lập trường pháp lý của Liên minh châu Âu (EU) là Tây Ban Nha có quyền bảo vệ Hiến pháp của nước này nhằm duy trì sự thống nhất của quốc gia. Mỹ và nhiều nước EU đều khẳng định không ủng hộ Catalunya độc lập.

Đây có thể coi là những tín hiệu khả quan, cho thấy tình hình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Catalonia đang có những tiến triển nhất định.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng vấn đề Catalonia đã được giải quyết triệt để. Cuộc khủng hoảng ở Catalonia trên thực tế đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Tây Ban Nha nói chung và ở Catalonia nói chung. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến vừa qua tại Catalonia cho thấy có 43% số ý kiến không ủng hộ chính quyền trung ương giải tán Hội đồng lập pháp và tổ chức bầu cử sớm ở vùng lãnh thổ này. 

Ngay trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng lập pháp Catalonia về tuyên bố độc lập hôm 27/10 vừa qua, có 53/135 thành viên Hội đồng đã  từ chối bỏ phiếu. Trước đó, chỉ 43% cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập hôm 1/10 bởi nhiều người Catalonia đã tẩy chay sự kiện này.

Trong khi đó, cựu Thủ hiến Carles Puigdemont cùng nhóm chủ trương ly khai, đang tiếp tục kêu gọi công chức, viên chức vùng Catalonia không tuân lệnh của chính phủ trung ương và tham gia các hoạt động phản kháng. Các cuộc biểu tình có thể dẫn tới xung đột bạo lực, trong khi các cuộc đình công đe dọa làm tê liệt nền kinh tế khu vực đang đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội  (GDP), chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài của Tây Ban Nha.

Bên cạnh đó, mặc dù Madrid hy vọng việc tổ chức bầu cử địa phương ở Catalonia vào tháng 12 tới sẽ giúp “khôi phục sự điều hành hợp pháp cũng như nguyên tắc pháp trị” ở vùng này, song cũng không thể loại trừ khả năng những đảng vốn có chủ trương đòi tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha tiếp tục giành ghế, thậm chí có thể lặp lại “kịch bản” cuộc bầu cử năm 2015, khi các đảng ủng hộ Catalonia độc lập giành đa số phiếu bầu và đứng ra thành lập chính quyền.

Chưa kể những phần tử ly khai cực đoan ở Catalonia sẽ có những hành động phá hoại cuộc bầu cử này, như cảnh báo của Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis. Nếu không tìm được một giải pháp chính trị thích hợp, cuộc khủng hoảng ở Catalonia, vốn khởi nguồn từng những mâu thuẫn tích tụ nhiều năm, nay lại được thổi bùng lên bởi những toan tính lợi ích, vẫn có thể còn diễn biến phức tạp với những nguy cơ tiềm ẩn.

Ngự Bình-Thanh Mai
Kinh tế Tây Ban Nha có thể mất đà tăng vì vụ khủng hoảng tại Catalonia
Kinh tế Tây Ban Nha có thể mất đà tăng vì vụ khủng hoảng tại Catalonia

Kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục đi lên trong quý III/2017 song các nhà kinh tế và tổ chức kinh doanh cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Catalonia có thể tác động tiêu cực tới kinh tế nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN