Kênh truyền hình RT đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi - quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới - nhận định châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong vài năm tới, sau khi cắt đứt thương mại với Nga.
Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 18/10, ông Saad al-Kaabi cho rằng chiến lược thay thế toàn bộ nguồn cung khí đốt của Nga bằng những nguồn cung khác dường như là điều bất khả thi.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar tin rằng nếu khí đốt của Nga không còn chảy vào châu Âu, như dự định của Liên minh châu Âu (EU), cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023 và tiếp diễn trong một thời gian rất dài.
Ông al-Kaabi giải thích EU không thể bù đắp được nguồn cung từ Nga trong dài hạn, trừ khi xây dựng các nhà máy hạt nhân khổng lồ và tiếp tục đốt than hoặc dầu nhiên liệu.
EU đã giảm tỷ trọng khí đốt của Nga trong thị trường của châu Âu từ khoảng 40% xuống chỉ còn 7,5% trong 7 tháng qua. Giới chức liên minh này hy vọng sẽ tăng mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Algeria để loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Mục tiêu của châu Âu đang gặp phải một số lực cản từ các thị trường LNG truyền thống ở châu Á. Trung Quốc được cho là đã ra lệnh cho các nhà nhập khẩu trong nước không tái xuất khí dư thừa sang nước khác do lo ngại về khả năng thiếu hụt trong mùa sưởi ấm năm nay.
Ông sl-Kaabi cảnh báo rằng mặc dù các quốc gia châu Âu đã tích lũy đủ khí đốt trong các cơ sở lưu trữ để vượt qua mùa đông sắp tới một cách tương đối bình yên, nhưng không chắc chắn rằng điều này sẽ được đảm bảo trong các mùa đông khác. Theo ông, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn nữa vào những năm tới, nếu cắt đứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu của Nga.
“Mùa đông sắp tới này, vì lượng lưu trữ đã đầy nên không sao cả. Vấn đề thực sự ở đây là bổ sung nguồn dự trữ cho năm tới”, quan chức người Qatar nhấn mạnh.