Bà Lagarde tiếp nhận chức Chủ tịch ECB từ tháng 11/2019. Bà từng chia sẻ 12 tháng qua là quãng thời gian căng thẳng với nhiều đêm trắng khi các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với một cú sốc kinh tế chưa từng có tiền lệ. Chuyên gia phân tích Carsten Brzeski của ngân hàng ING nhận định đây là quãng thời gian khó khăn với bà Lagarde và có lẽ không giống với những mường tượng ban đầu của bà khi tiếp nhận vị trí mới. Trước đó, bà Lagarde từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Dù cũng có lúc bị cho là thiếu chuyên môn kỹ thuật so với những người tiền nhiệm, nhưng giới quan sát đều đánh giá cao những bản năng chính trị nhạy bén và cách xử lý khủng hoảng tài tình của bà trong thời gian qua. Khi mới bước chân tới Frankfurt (Đức) - nơi đặt trụ sở ECB, điều đầu tiên trong danh sách các việc cần làm của vị cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên của ECB liên quan chính sách tiền tệ siêu lỏng của người tiền nhiệm Mario Draghi. Tuy nhiên, ưu tiên này nhanh chóng bị đại dịch COVID-19 phủ bóng, ECB buộc phải có hành động nhanh chóng và triển khai chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.350 tỷ euro để thị trường tín dụng không bị gián đoạn và bảo vệ thị trường trước tác động của thời kỳ suy giảm kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Lập luận rằng ở những thời điểm bất thường thì cần phải có hành động phi thường, bà Lagarde nhấn mạnh ECB sẵn sàng làm hơn thế nữa. Chuyên gia phân tích Andrew Kenningham thuộc Capital Economics cho rằng nhờ sự lãnh đạo của bà Lagarde, ECB đã chế ngự thành công cuộc khủng hoảng nợ công dù đôi lúc bà dường như chưa thực sự chắc tay khi xử lý một số khía cạnh kinh tế kỹ thuật của công việc mình đang đảm nhận.
Trong năm đầu tiên dưới sự lãnh đạo của bà Lagarde, các thành viên của ban quản trị ECB và các thống đốc ngân hàng trung ương đã kết nối thường xuyên hơn với các kênh truyền thông nên thị trường cũng có thể hiểu hơn về những suy tính của họ giữa các kỳ họp chính sách tổ chức thường kỳ 6 tuần/lần. Những kinh nghiệm chính trị cũng giúp bà Lagarde kết nối tốt hơn với các nhà lãnh đạo châu Âu để sử dụng sức mạnh tài khóa của họ hỗ trợ những nỗ lực chung của ECB. Bà hoan nghênh việc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí được gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro và kêu gọi các chính phủ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, không chấm dứt quá sớm các biện pháp này. Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng KfW (Đức) Fritzi Koehler-Geib cho rằng những kỹ năng ngoại giao của bà Lagarde đã giúp ích nhiều trong việc xử lý một tình huống khủng hoảng mà trong đó sự phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Ngày 29/10 tới bà Lagarde sẽ chủ trì cuộc họp chính sách lần thứ 8 của ECB với 25 thành viên hội đồng quản trị. Đây cũng là lúc châu Âu đương đầu với làn sóng dịch bệnh thứ hai buộc nhiều quốc gia phải tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa gây nhiều tác động về kinh tế. Tuần trước, bà Lagarde cảnh báo làn sóng thứ hai và các biện pháp hạn chễ mới tiếp tục gây ra những yếu tố bất ổn và đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế của Eurozone. Dù vậy, giới quan sát cho rằng ECB sẽ tiếp tục thận trọng quan sát tình hình trước khi đưa ra thêm một gói hỗ trợ mới lớn hơn vào tháng 12 tới.