Phi công Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục thử thách ý chí nhau trên bầu trời Đông Âu, động thái khiến cho cả hai phía đều cảm thấy "ngột ngạt".
Tờ Business Insider (Mỹ) đưa ra nhận định trên trong bối cảnh máy bay quân sự, chiến hạm Nga và NATO đang ngày càng tiến sát nhau trên bầu trời, vùng biển Đông Âu dẫn đến những vụ “mèo đuổi chuột” ẩn chứa đầy rủi ro.
Một số lượng đáng kể những vụ việc như vậy xảy ra trên bầu trời các nước vùng Baltic-những thành viên NATO có chung đường biên giới với Nga.
Một chiến đấu cơ Nga và máy bay quân sự Mỹ bay ở khoảng cách gần trong tháng 6 vừa qua. Ảnh: AP |
Chỉ riêng trong tháng 6 đã có vài vụ việc được ghi nhận, bao gồm chiến đấu cơ Nga chặn máy bay ném bom B-52 của Mỹ trên biển Baltic. Vào giữa tháng 6, một chiến đấu cơ Nga và máy bay trinh sát của Mỹ đã ở khoảng cách rất gần nhau. Cuối tháng này, một chiếc F-16 của NATO thậm chí đi theo máy bay chở Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga.
Các quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đang sử dụng những vụ việc này như chiến thuật địa chính trị. Trong khi đó, Moskva bác bỏ cáo buộc và cho rằng những báo cáo của phương Tây về hoạt động và khả năng của Nga trong khu vực đều là “chứng sợ Nga”.
Tất cả các bên đều theo đuổi chính sách “giảm rủi ro” cho các nước Baltic nhưng tình trạng thách thức nhau trên không xảy ra giữa thời điểm động thái quân sự của những bên liên quan đều gia tăng trên bộ ở Đông Âu.
Khoảng 25.000 binh sĩ Mỹ và 23 quốc gia khác đã cùng tham gia cuộc tập trận Saber Guardian tại Bulgaria, Hungary và Romania trong tháng này. Máy bay ném bom Mỹ trong tháng 6 cũng đến Anh để chuẩn bị cho hai cuộc tập trận chung riêng rẽ tại các nước Baltic và một địa điểm khác thuộc châu Âu.
Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ ở châu Âu tuyên bố các cuộc tập trận sẽ lớn hơn về quy mô so với sự kiện tương tự trước đó. Cả Mỹ và NATO đều tăng cường lực lượng cử đến Đông Âu. Binh sĩ Anh và Canada cũng hướng tới Ba Lan, Latvia và Estonia trong khi lực lượng NATO đã có mặt tại Litva.
Những động thái trên của NATO diễn ra khi cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus được lên lịch tổ chức trong tháng 9 với dự kiến 100.000 binh sĩ tham gia.
Mỹ dự định điều binh sĩ nhảy dù đồn trú tại Estonia, Latvia và Litva trong thời điểm diễn ra cuộc tập trận của Nga đồng thời cử thêm các phi công dày dặn kinh nghiệm đến khu vực.
Trong một diễn biến khác, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Đức trong tháng này, một vài quốc gia châu Âu cũng đẩy mạnh khả năng phòng không với sự hỗ trợ của Mỹ. Vào đầu tháng 7, Ba Lan và Mỹ ký bản ghi nhớ về việc Washington bán cho Warsaw số tên lửa phòng không Patriot trị giá 8 tỉ USD.
Ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua khả năng bán số tên lửa Patriot trị giá 3,9 tỉ USD và nhiều thiết bị quân sự khác cho Romania.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Litva cũng thông báo: “Ngày 10/7, lần đầu tiên Mỹ đã cử hệ thống Patriot tới Litva”. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ góp mặt trong cuộc tập trận phòng không “Tobruq Legacy 2017” diễn ra từ 11- 22/7.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhận định rằng việc các đồng minh NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là “nguy hiểm lớn” và ông đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả bằng việc đẩy mạnh hệ thống tên lửa của Nga.
Chuyên gia an ninh Magnus Nordenman tại Hội đồng Đại Tây Dương nêu ý kiến với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Việc triển khai Patriot hình thành bộ phận của phản ứng rộng lớn hơn từ Mỹ trong khu vự trước cuộc tập trận sắp tới của Nga”.
Ông Nordenman còn cho rằng phòng không chưa phải là ưu tiên trong 15 năm qua khi NATO còn bận rộn tại Afghanistan và hiện nay tuy chưa phải là mối đe dọa trên không nhưng Nga đang “bồi đắp” cho lực lượng không quân nước này.