Báo cáo cũng ghi nhận sự sụt giảm về số lượng giao dịch và số lượng nhà đầu tư rót vốn vào thị trường Israel chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân trong quý I của năm 2020 và 2022 (riêng năm 2021 không được đưa vào so sánh bởi đây là một ngoại lệ kỷ lục về thu hút vốn đầu tư bất chấp đại dịch COVID-19). Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy giá trị bình quân các giao dịch đầu tiên trong quý I/2023 cũng giảm 80%, từ mức 307 triệu USD (2020 và 2022) xuống còn 56 triệu USD.
Trong khi đó, Cục Thống kê Trung ương (CBS) cũng cho biết số vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Israel trong quý đầu tiên của năm nay chỉ đạt 4,76 tỷ USD, giảm 34% so với trung bình hàng quý trong năm 2020 và 2022.
Nguyên nhân dẫn đến việc giảm khả năng huy động vốn một phần là do nhiều công ty công nghệ tại Mỹ bị sụt giảm giá trị và nguyên nhân khác là một số doanh nghiệp chuyên huy động vốn nay cũng định giá các vòng gọi vốn thấp hơn so với các giai đoạn trước đó.
Ngoài ra, trong nhiều tháng qua các nhà kinh tế, chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp đã cho rằng cách tiếp cận của Chính phủ Israel đối với kế hoạch cải cách tư pháp có thể dẫn đến tình trạng giảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và có thể ảnh hưởng đến ngành công nghệ cao, vốn là xương sống của nền kinh tế Israel. Năm 2022, ngành công nghệ cao chiếm 18,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel và là ngành đóng góp lớn nhất. Tuy nhiên, việc chính phủ tìm cách làm suy yếu quyền hạn của Tòa án Tối cao và các cơ quan tư pháp đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại vì họ muốn đổ vốn vào những môi trường có tính ổn định cao hơn.