Bà từng nổi tiếng là một nhân vật chống tham nhũng mạnh tay tại Romania trước khi bị sa thải tháng 7/2018 với lý do vượt quá quyền hạn của mình. Bà đã nhận được sự ủng hộ tại Brussels vì đã làm tăng tỷ lệ kết án tham nhũng tại một trong những quốc gia thành viên EU bị cho là tham nhũng nhiều nhất.
EU đã có một cơ quan chống gian lận, mang tên OLAF, có nhiệm vụ xác định các vụ gian lận và khuyến cáo các nước thành viên nên hành động. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết ít nhất 50 tỷ euro tiền thuế doanh thu - nhiều trong số này đóng vào ngân sách EU - đã biến mất mỗi năm vì các hành vi gian lận xuyên biên giới trong nội bộ EU.
Tuy nhiên, hiện tại, chỉ chính quyền các nước có quyền truy tố các vụ gian lận ngân sách EU tại nước mình, làm dấy lên chỉ trích rằng một số nước đang hủy hoại quy định của pháp luật.
Đại diện cấp cao về ngân sách của EU Guenther Oettinger cho biết: "Trưởng Công tố châu Âu sẽ đảm bảo rằng hành động ở cấp liên minh được tăng thêm một bước, qua đó, đưa các vụ phạm tội ra tòa trong các trường hợp hành vi vi phạm ảnh hưởng đến ngân sách của liên minh".
Văn phòng của tân Trưởng Công tố sẽ được đặt tại Luxembourg vào cuối năm 2020. 22 quốc gia trong số 28 nước EU sẽ tham gia, không bao gồm Hungary, Ireland, Ba Lan và Thụy Điển, cũng như Đan Mạch - nước có cơ quan độc lập về các vấn đề pháp lý của EU, và Anh - nước sắp rời liên minh.