Ông Ghosn bị bắt giữ lần thứ 4 hôm 4/4 vừa qua theo cáo buộc lạm dụng tín nhiệm sau khi Nissan phát hiện một số khoản chi trả của công ty cho nhà phân phối ở Oman đã được sử dụng cho mục đích cá nhân của ông này, khiến công ty thất thoát 5 triệu USD. Vụ bắt giữ diễn ra chưa đầy một tháng kể từ khi ông Ghosn được bảo lãnh tạm tha sau 108 ngày bị giam giữ.
Nhóm luật sư đại diện cho ông Ghosn cho biết họ sẽ xin bảo lãnh tại ngoại cho thân chủ. Ngày 22/4 là ngày cuối cùng trong thời hạn tạm giam theo quyết định của Tòa án Tokyo đưa ra trước đó.
Ông Ghosn, quốc tịch Brazil, Pháp là Liban, cũng bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm liên quan việc chuyển các khoản thua lỗ kinh doanh cá nhân vào sổ sách kế toán của Nissan hồi năm 2008 và lấy 14,7 triệu USD từ quỹ của Nissan trả cho một doanh nhân Saudi Arabia để người này gia hạn tín dụng cho ông.
Theo các nguồn thạo tin, lệnh bắt giữ mới nhất nhằm vào ông Ghosn liên quan một nhà phân phối Oman nhận 115 triệu USD từ Nissan trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 tới tháng 7/2018 và chuyển 5 triệu USD trong số này tới một tài khoản tiết kiệm của một công ty đầu tư ở Liban hiện thuộc sở hữu của ông Ghosn.
Một số nguồn tin còn cho rằng một phần số tiền này tiếp tục được chuyển cho công ty của vợ ông Ghosn. Khoản tiền cũng có thể đã được sử dụng để mua một du thuyền hạng sang trị giá 1,6 tỷ yen (14 triệu USD) phục vụ gia đình cựu Chủ tịch Nissan.
Ông Ghosn luôn tự nhận đã cống hiến 20 năm cuộc đời để hồi sinh nền công nghiệp ô tô của Nhật Bản từ bờ vực phá sản. Ông đã bị cách chức chủ tịch của Nissan cũng như các đối tác Renault SA và Mitsubishi Motors sau khi bị bắt lần đầu hồi tháng 11/2018.
Cũng trong ngày 22/4, Nissan Motor thông báo đã khiếu kiện cựu Chủ tịch Ghosn với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm theo Đạo luật Doanh nghiệp Nhật Bản. Nissan Motor cho biết công ty khởi kiện sau khi xác định các khoản thanh toán của Nissan gửi tới một công ty nước ngoài thông qua một chi nhánh đã được ông Ghosn sử dụng làm lợi cho cá nhân.