Tuy nhiên, Tòa án quận Tokyo của Nhật Bản ra lệnh cấm ông Ghosn ra nước ngoài, cũng như áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm tránh trường hợp can thiệp làm xáo trộn bằng chứng.
Tòa đã chấp nhận số tiền bảo lãnh tại ngoại lên tới 1 tỷ yen (9 triệu USD) cho vị doanh nhân này. Tuy nhiên, bên công tố có ý định kháng cáo quyết định trên, thậm chí có thể đưa ra các cáo buộc mới chống lại ông Ghosn.
Quyết định cho phép tại ngoại của tòa là động thái bất ngờ trong vụ kiện đang khiến Nhật Bản và giới doanh nhân đau đầu kể từ khi ông này bị bắt ngày 19/11/2018 liên quan đến những nghi ngờ vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân. Trước đó, tòa từng khẳng định rằng cần giam giữ ông Ghosn vì ông có thể tìm cách can thiệp làm xáo trộn bằng chứng cũng như có thể trốn ra nước ngoài. Ông Ghosn hiện mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban.
Bản thân ông Ghosn và các luật sư của ông đều lập luận rằng hai trường hợp trên sẽ không xảy ra và ông thậm chí đề xuất chấp nhận đeo vòng giám sát và chấp nhận các cảnh vệ theo dõi mình. Ngoài ra, doanh nhân 64 tuổi này cũng sẵn sàng nộp lại hộ chiếu, hạn chế tiếp xúc với các nhân chứng liên quan vụ việc và thông báo lịch trình hàng ngày cho các công tố viên. Ông Ghosn cam kết ở lại Nhật Bản.
Ông Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Cho đến nay, doanh nhân này luôn bác bỏ mọi cáo buộc. Tuy nhiên, ngay sau khi bê bối nổ ra, Nissan đã quyết định cách chức ông khỏi vị trí chủ tịch. Ông Ghosn cũng phải rời khỏi vị trí lãnh đạo của hai hãng Renault và Mitsubishi.