Kênh RT (Nga) ngày 2/4 cho biết động thái này nằm trong chương trình tình báo mật của UAE mang tên Dự án Raven diễn ra ở thời điểm biến động ngoại giao với Qatar. Theo đó, 9 cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), quân đội Mỹ đã tham gia Dự án Raven. Vào tháng 1 vừa qua, Dự án Raven đã bị lộ tẩy.
Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE và Yemen đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào ngày 5/6/2017 kèm cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố. Sau đó, một vài quốc gia khác “theo chân” Saudi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Saudi Arabia, Bahrain, UAE, Ai Cập đưa ra danh sách 13 yêu cầu mà Qatar phải thực hiện để chấm dứt khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh. Trong đó bao gồm việc Qatar phải cắt quan hệ ngoại giao với Iran, đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này và đóng cửa hãng tin Al Jazeera. Tuy nhiên, Qatar đã gọi những yêu cầu trên là không thực tế.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết trong thời gian biến động ngoại giao năm 2017, điện thoại di động của hơn 10 nhà báo và lãnh đạo cơ quan truyền thông có liên quan tới chính phủ Qatar hoặc tổ chức Anh em Hồi giáo đã bị đột nhập dữ liệu. Mục tiêu của hành động này nhằm tìm ra thông tin có thể chứng minh hoàng gia Qatar tác động tới Al Jazeera và các hãng truyền thông khác.
Tin tặc đã sử dụng chương trình mang tên Karma có khả năng truy cập vào điện thoại của mục tiêu khi chỉ cần nhập được email và số điện thoại. Sau đó, thành viên của Dự án Raven chuyển thông tin thu thập được sang tay tình báo UAE.
Các nạn nhân của Dự án Raven bao gồm phát thanh viên của BBC Giselle Khoury, Cjủ tịch Al Jazeera – ông Hamad bin Thamer bin Mohammed Al Thani, người dẫn chương trình Faisal al-Qassem, biên tập viên của tờ Al-Arab (Qatar) Abdullah Al-Athba, Giám đốc đài truyền hình Al Araby là Abdulrahman Elshayyal…
Reuters cho biết Dự án Raven được thành lập từ năm 2009 với hỗ trợ của tình báo Mỹ và cựu quan chức Nhà Trắng và mục đích ban đầu là dò tìm khủng bố. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã từ chối đưa ra bình luận về Dự án này.