Theo thông báo của tổ chức cố vấn Kissinger Associates, ông Kissinger – người giữ chức Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford - vừa qua đời vào ngày 29/11 tại nhà riêng theo giờ Mỹ, tức ngày 30/11 theo giờ Việt Nam.
Những ngày tháng cuối đời, ông vẫn theo dõi sát tình hình thế giới, thực hiện các chuyến công tác nước ngoài và đưa ra những phát biểu về những vấn đề nóng trên thế giới.
Xung đột Nga - Ukraine
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS News ngày 7/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể đang tiến gần đến “một bước ngoặt”. Và ông nhận định, với vai trò trung gian của Trung Quốc, các cuộc đàm phán nghiêm túc có thể bắt đầu vào cuối năm 2023.
"Giờ đây khi Trung Quốc đã chính thức bước vào cuộc chơi thì nhiều khả năng quá trình đàm phán sẽ có những diễn biến thuận lợi và tôi nghĩ có thể sẽ diễn ra vào cuối năm nay", nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ.
Với việc công bố "Lập trường về giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine" vào tháng 2, Trung Quốc đã nổi lên như là một nhà trung gian hòa giải tiềm năng giữa Moskva và Kiev.
Hồi năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Kissinger đã từng đề nghị Ukraine nên chấp nhận quay trở lại "nguyên trạng", hoặc từ bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Crimea và trao quyền tự trị cho hai khu vực Donetsk và Lugansk để bảo vệ hòa bình. Điều này đã khiến cho giới chức Kiev tỏ ra thất vọng và giận dữ.
Moskva cũng nhiều lần khẳng định sẵn sàng đàm phán với Kiev, song chỉ khi Ukraine công nhận thực tế trên thực địa, trong đó có quy chế rằng các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia là một phần của Nga. Nếu không, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự.
Chiến tranh Israel - Hamas
Sau khi phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine tiến hành vụ tấn công xuyên biên giới Israel vào ngày 7/10 và sát hại hơn 1.200 người, cũng như bắt giữ khoảng 240 con tin, ông Kissinger khẳng định “hành động gây hấn công khai” đó sẽ phải nhận “trừng phạt”. Mặt khác, ông cũng cảnh báo về nguy cơ căng thẳng leo thang trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn kênh Welt TV của Đức ngày 11/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ lưu ý: “Cuộc xung đột Trung Đông có nguy cơ leo thang và lôi kéo các nước Arab khác dưới sức ép của công chúng”. Ông đã viện dẫn các bài học trước đó từ cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi liên minh Arab do Ai Cập và Syria dẫn đầu tấn công Israel.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, mục tiêu thực sự của Hamas cùng các nhóm ủng hộ khác chỉ có thể là nhằm kích động thế giới Arab chống lại Israel và rời khỏi con đường đàm phán hòa bình. Có khả năng Israel sẽ hành động chống lại Iran nếu như Tehran can dự vào cuộc chiến giữa Tel Aviv với Hamas hiện nay.
Ông Henry Kissinger cũng cho rằng Israel không thể nhượng bộ trước lời đe dọa giết con tin của Hamas. Ông gọi đây là một "quyết định đau lòng" mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải đưa ra.
Khi được hỏi liệu rằng ông có thể giải quyết việc Hamas đe dọa giết con tin hay không, ông trả lời: “Khi không tham gia trực tiếp, tôi không thể đưa ra một câu trả lời toàn diện. Về mặt lý thuyết, tôi có thể nói rằng chúng tôi không thể nhượng bộ điều đó”.
Ông nói bản năng đầu tiên của bất kỳ nhà lãnh đạo nào là cố gắng đàm phán hòa bình, song ông khẳng định thật khó nghĩ đến viễn cảnh đó nếu Hamas bắt giữ con tin và sát hại dân thường.
Chính trị gia 100 tuổi này từng lãnh đạo chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Trong cuộc chiến tranh giữa thế giới Arab và Israel năm 1973, với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông đã đóng vai trò nhà đàm phán trung gian giữa Israel và Ai Cập.