Một loại tên lửa được giới thiệu tại lễ diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài xã luận đăng trên tờ Washington Post của Mỹ ngày 21/4, ông David S.Cohen, từng là Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kiêm Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính dưới thời Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã phân tích về các biện pháp đối phó với Triều Tiên.
Theo ông, để giải quyết vấn đề Triều Tiên, chính quyền Trump cần nhìn lại vấn đề hạt nhân của Iran. Chính quyền mới của Mỹ cần cân nhắc các biện pháp trừng phạt Iran dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Obama và áp dụng đối với Bình Nhưỡng, bởi công cụ này đã thành công trong việc đưa Tehran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Theo tác giả bài viết, đây có thể gọi là “các lệnh trừng phạt phái sinh”, ám chỉ những lệnh trừng phạt áp đặt lên những thực thể và cá nhân làm ăn kinh doanh với chính quyền Iran.
Với Bình Nhưỡng, bất chấp một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế, nước này vẫn có thể vượt qua một cách tương đối dễ dàng, đặc biệt khi so sánh với Iran. Lý do là vì Mỹ trước đây rất miễn cưỡng trong việc áp đặt "các lệnh trừng phạt phái sinh" để cô lập Triều Tiên, đặc biệt là nhằm vào Trung Quốc, đối tác thương mại hợp pháp quan trọng của Triều Tiên.
Áp đặt các lệnh trừng phạt phái sinh lên Triều Tiên có thể cắt nguồn tiếp cận của nước này với hệ thống tài chính quốc tế. Theo đánh giá mới đây của một ủy ban đặc biệt thuộc LHQ, các ngân hàng và các công ty thương mại Triều Tiên hoạt động tại Trung Quốc thông qua các công ty bình phong. Đổi lại, các công ty này có tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc, từ đó họ có thể kinh doanh toàn cầu, kể cả tại Mỹ.
Nếu Washington áp dụng các lệnh trừng phạt phái sinh lên Triều Tiên, thì động thái này sẽ buộc một số ngân hàng Trung Quốc lựa chọn giữa việc thúc đẩy năng lực ngân hàng quốc tế của chính phủ hoặc duy trì cách tiếp cận của mình. Một số nhà quan sát lo ngại động thái này sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh giận dữ và khiến các lệnh trừng phạt phái sinh trở nên không phù hợp.
Đơn cử như khi ông Cohen còn tại nhiệm ở Bộ Tài chính dưới thời Obama, chính quyền Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt phái sinh để gia tăng áp lực lên chính quyền Iran. Hàng trăm công ty nước ngoài có giao dịch với các ngân hàng Iran chịu trừng phạt đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó khiến hệ thống ngân hàng Iran gần như bị cô lập hoàn toàn.
Tác giả bài phân tích cho rằng chính quyền Trump hiện nay cần bắt đầu áp đặt các biện pháp phái sinh lên các ngân hàng quy mô vừa của Trung Quốc, vốn hỗ trợ các công ty bình phong của Triều Tiên, sau đó sẽ tính tiếp tới các ngân hàng lớn của Trung Quốc nếu cần thiết.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt phái sinh sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng việc thắt chặt tài chính có thể gây chia rẽ trong nội bộ chính quyền, giữa ông Kim và giới tinh hoa Triều Tiên, những người quan trọng giúp ông Kim thâu tóm quyền lực. Và động thái đó cũng để thể hiện cho Bình Nhưỡng và Bắc Kinh thấy rằng Washington nghiêm túc trong việc tạo ra đòn bẩy cần thiết cho một cuộc đàm phán thành công trong vấn đề Triều Tiên.