Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang đối mặt với thách thức mới sau khi Quốc hội nước này phản đối dự luật về hỗ trợ tài chính cho thủ đô Rome vốn đang bên bờ vực phá sản.Tân thị trưởng Rome, ông Ignazio Marino, ngày 27/2 cho biết Rome hiện đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, với mức thâm hụt ngân sách lên tới 816 triệu euro (1,1 tỷ USD).
Ông Matteo Renzi. Ảnh: Guardian |
Đây là hậu quả của các khoản chi tiêu phóng tay của chính quyền thành phố trong nhiều thập kỷ trước cũng như khả năng quản lý yếu kém trong bộ máy hành chính thủ đô. Theo quan chức trên, nếu không được hỗ trợ tài chính kịp thời, các nhà chức trách thành phố Rome sẽ phải tạm ngừng các dịch vụ công cộng như giao thông vận tải và y tế, đóng cửa các trường học và không thể khắc phục hậu quả của trận lũ lụt vừa xảy ra.
Thị trưởng Marino nêu rõ ngân sách thành phố đã "cạn kiệt", chủ yếu do sự chậm trễ trong việc phê chuẩn dự luật đặc biệt (Có tên gọi: Cứu Rome). Dự luật đưa ra một loạt giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ và kêu gọi hỗ trợ tài chính cho Rome từ ngân sách chính phủ. Tuy nhiên, văn kiện này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ Quốc hội, mặc dù trước đó, chính phủ của tân Thủ tướng Renzi đã cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho thành phố.
Ông Matteo Renzi nhậm chức hôm 22/2 và trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy. Ngay sau được bổ nhiệm, Thủ tướng Renzi đã khẳng định muốn "đưa Italy ra khỏi vũng lầy" bằng một chính sách kinh tế hiệu quả.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Renzi hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi đặt ra mục tiêu cải cách trong thời gian chớp nhoáng để đưa Italy thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên mức kỷ lục 12,7% và hơn 40% số thanh niên không có việc làm.
TTXVN/Tin tức