Ông Abe, người vẫn có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản, đưa ra bình luận trên trong bối cảnh tân Thủ tướng Fumio Kishida cho công bố gói kích thích kinh tế trị giá 490 tỉ USD, trong đó có 9,25 tỉ USD chi cho quốc phòng.
“Tôi đánh giá cao sự ra đời của AUKUS. Đây là cơ chế đặc biệt quan trọng giúp thúc đẩy các nỗ lực đa tầng vì hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… Tôi nghĩ Nhật Bản cần can dự hợp tác trong khuôn khổ AUKUS trên các lĩnh vực như xây dựng tiềm lực mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) hay các công nghệ lượng tử”, cựu Thủ tướng Abe phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Sydney (Sydney Dialogue) theo hình thức trực tuyến hôm 19/11, khi được cựu Thủ tướng Australia John Howard đặt câu hỏi.
Ông Abe cũng cho rằng Nhật Bản và Australia cần đưa hợp tác quốc phòng song phương lên “tầm cao mới” trong bối cảnh an ninh khu vực ngày một phức tạp. Biện pháp thực hiện là tăng cường, mở rộng các cuộc diễn tập song phương theo hướng toàn diện và chuyên sâu hơn.
Ông Abe nhấn mạnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng thách thức lớn nhất mà khu vực này đang phải đối mặt là “duy trì một trật tự tự do và mở trong những năm tới, trong đó có tự do, dân chủ, pháp trị, tự do thương mại.
Nhật Bản không phải là thành viên của AUKUS, một liên minh an ninh mới được thành lập giữa Australia, trong đó có điều khoản Australia sẽ được tạo điều kiện để mua sắm tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh. Nhiều nguồn tin quân sự tại Tokyo cho biết Nhật Bản có dư địa để hợp tác với AUKUS, nhất là chia sẻ tiềm lực công nghệ.
Theo ông Abe, các nước thành viên trong Nhóm Bộ tứ (Quad - gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ) cần hợp tác để tăng cường và gây dựng lại chuỗi cung theo hướng bền vững hơn. Chất bán dẫn và các khoáng chất thiết yếu là nền tảng then chốt của mỗi quốc gia thành viên và vì thế các bên cần đẩy mạnh hợp tác, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ quá phụ thuộc vào một nước bên ngoài về những loại nguyên liệu này.
Nhật Bản nên tăng cường mở rộng hợp tác chuỗi cùng ứng về hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu thiết yếu và an ninh kinh tế trên các khía cạnh như kĩ thuật số, hợp tác an ninh mạng. “Hiện nay nhóm công tác mới được thành lập trong khuôn khổ Nhóm Bộ tứ đang thảo luận về hợp tác trong các công nghệ mới nổi, thiết yếu. Tôi cho rằng Nhật Bản có thể điều phối trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trong khuôn khổ AUKUS”, ông Abe nêu quan điểm.
Giới phân tích nhận định Nhật Bản đánh giá cao sự xuất hiện của AUKUS dưới góc độ đây là một cấu trúc “tăng cường can dự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chứ không phải ở khía cạnh ủng hộ đề án phát triển tàu ngầm hạt nhân mà liên minh này đưa ra. Michito Tsuruoka, Giáo sư tại Đại học Keio cho rằng việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản và chưa thể biết Mỹ có đồng ý chia sẻ công nghệ nhạy cảm này với Tokyo hay không.
Tương lai phát triển của AUKUS là điểm được giới bình luận quốc tế theo sát ngay sau khi Mỹ, Anh, Australia ra tuyên bố thành lập liên minh hôm 15/9. Đại tướng Nick Carter - Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Anh, hồi tháng trước đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng một số nước như Nhật Bản, Canada hay New Zealand đến một thời điểm nào đó có thể gia nhập AUKUS.
Phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm An ninh Mỹ mới tổ chức hôm 20/10, ông Carter nói rằng AUKUS không phải là một cấu trúc nhóm nhỏ đóng kín, mà có thể mang tính bao hàm rộng hơn nếu thời cơ thích hợp xuất hiện. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Australia Marise Payne sau đó có đã phản hồi lại quan điểm của tướng Carter, với khẳng định “ở giai đoạn này AUKUS không có kế hoạch mở rộng thành viên”.