Cựu Thủ tướng Australia Paul Keating bất ngờ lên tiếng chỉ trích các chính sách gần đây của chính quyền Canberra. Phát biểu tại Câu lạc bộ báo chí Quốc gia ở Canberra ngày 10/11, ông Keating phản đối kế hoạch của Australia mua 8 tàu ngầm hạt nhân theo điều khoản có trong thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên Mỹ, Australia và Anh (AUKUS).
Ông đồng thời hối thúc chính quyền Thủ tướng Scott Morrison không nên để Australia bị cuốn vào một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan, vì vùng lãnh thổ này không gắn với lợi ích cốt yếu với Australia.
Theo ông, khi Australia tiếp nhận 8 tàu ngầm hạt nhân vào năm 2040 với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh, số tàu này khi đó thực chất sẽ lỗi thời. Loại tàu mà ông đề cập tới là tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, không phải là tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh. Trước đó, Thủ tướng Morrison từng gây căng thẳng cao độ trong quan hệ Australia-Pháp khi quyết định từ bỏ hợp đồng đặt mua 12 tàu ngầm thông thường của Pháp để chuyển sang tàu ngầm hạt nhân do Mỹ, Anh chuyển giao công nghệ.
Cho rằng Canberra đã đi sai đường, ông Keating nhìn nhận Australia không chỉ đặt sai yếu tố địa lý quốc gia, mà còn cả hành xử gây hấn không cần thiết với Trung Quốc. Theo ông, Australia là một phần của châu Á và Canberra cần phải thừa nhận một thực tế không thể bỏ qua, đó là sức ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc ở châu Á. “Chúng ta phải kết giao với Trung Quốc, bởi sức mạnh của Trung Quốc sẽ đặc biệt lớn ở khu vực này. Trung Quốc không phải là mối đe dọa với Australia”, cựu Thủ tướng Keating nói.
Trong giai đoạn ông Keating cầm quyền (1991-1995), Australia là một nhân tố tích cực trong tạo dựng và gắn kết tầm quan trọng của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tháng 4/1992, ông Keating chọn Indonesia là điểm viếng thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Ba năm sau, hai nước ký thỏa thuận an ninh.
Đáng chú ý, cựu Thủ tướng Keating nhìn nhận Australia không có lợi ích chiến lược trong duy trì một Đài Loan tự trị và vì thế không nên bị cuốn vào bất kỳ một hình thái xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Đài Loan – hòn đảo Trung Quốc tuyên bố là vùng lãnh thổ không thể chia cắt. “Đài Loan không phải là lợi ích thiết yếu với Australia. Chúng ta không liên minh với Đài Bắc, tuyệt đối không. Không có bất kỳ tài liệu nào đề cập đến liên minh với Đài Loan”, ông Keating nêu quan điểm.
Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton hồi tháng trước tuyên bố Canberra sẽ sát cánh cùng Washington trong trường hợp Trung Quốc mở một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Đài Loan. Quan điểm vào hùa cùng Mỹ này cũng từng được ông Morrison đề cập hồi tháng 5 vừa qua.
Là người nhất quán phê phán chính sách của Thủ tướng Morrison, ông Keating năm 2019 cảnh báo những chính sách thiển cận đã khiến Canberra không có được sự chuẩn bị hiệu quả để thích ứng trước gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Morrison thiếu mục đích chiến lược.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Keating vẫn tiếp tục quan tâm, theo dõi sát chính sách của Australia tại khu vực. Nhưng ông cũng có mối liên hệ với Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB), một thiết chế nhà nước chuyên về huy động, tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng lớn. Chính vì điều này mà nhiều người cáo buộc ông là người xung đột lợi ích.
Trên truyền thông mạng xã hội, dư luận chỉ trích ông Keating là người hay ủng hộ Trung Quốc. Chính Bộ trưởng Dutton đã từng gọi cựu Thủ tướng Australia là người “nhu mỳ”. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng ông Keating là người có tầm nhìn và hiểu biết về sức mạnh toàn cầu - một mảnh ghép mà chính quyền đương nhiệm Australia bị hoài nghi.