Mặc dù Bulgaria luôn khẳng định họ không cung cấp trực tiếp bất kỳ loại vũ khí nào cho Ukraine, nhưng số lượng vũ khí do Sofia sản xuất được xuất khẩu sang quốc gia đang có chiến sự này đã vượt quá 27 tỷ USD chỉ trong 164 ngày đầu tiên của cuộc xung đột với Nga.
Tất cả những vũ khí này đến Ukraine dưới dạng tái xuất qua Mỹ và Anh - cựu Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov (người giữ cương vị thủ tướng đến tháng 8/2022) tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình BTV ngày 26/3.
Lý do Sophia không trực tiếp làm điều đó là do vấn đề chính trị nội bộ. Chỉ ít ngày sau khi Moskva đưa quân vào Ukraine, chính phủ Bulgaria đã sa thải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Stefan Yanev, người bị cho là đã phủ nhận sự thật về cuộc xung đột ở Ukraine, ngăn cản viện trợ quân sự cho Kiev cũng như phản đối việc triển khai thêm lực lượng NATO ở Bulgaria. Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy hơn 70% người dân Bulgaria lo sợ bị lôi kéo vào cuộc xung đột và phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Dù vậy, sự hỗ trợ từ Bulgaria, mặc dù được cung cấp theo đường vòng như vậy, vẫn có tầm quan trọng rất lớn với Kiev.
Hồi tháng 1 năm nay, tờ Guardian dẫn lời ông Petkov và Bộ trưởng Tài chính Bulgaria, Assen Vassilev cho biết, đất nước của họ đã cung cấp 30% đạn dược thời Liên Xô mà quân đội Ukraine cần trong giai đoạn quan trọng vào 3 tháng mùa xuân 2022, và 40% lượng dầu diesel.
Theo ghi nhận của cựu Thủ tướng Kiril Petkov trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trên kênh BTV, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Bulgaria ở Sopot và Kazanlak đã tăng sản lượng đáng kể.
Đặc biệt, nhà máy Arsenal AD ở Kazanlak chuyên sản xuất vũ khí nhỏ, súng cối, lựu đạn cầm tay, súng phóng lựu và đạn súng cối. Và quan trọng nhất, nơi này sản xuất ra toàn bộ các loại đạn cỡ nòng của Liên Xô: từ đạn súng ngắn 9x18 mm đến đạn đại bác 30x165 được sử dụng bởi xe chiến đấu bộ binh BMP-2, BTR-3, BTR-4 và một số phương tiện chiến đấu thu giữ của Nga
Các sản phẩm do cơ sở này sản xuất trước đây đã gây được sự chú ý nhưng được biết đến nhiều nhất là súng trường AR-M9F được binh lính Ukraine sử dụng trong thời gian huấn luyện ở châu Âu.
Súng trường AR-M9F do công ty Arsenal AD của Bulgaria chế tạo có hai phiên bản: phiên bản mới hơn, cỡ nòng 5,56x45 và phiên bản 7,62x39 mm của Liên Xô. Điểm đặc trưng của khẩu súng trường này là báng súng được gập về bên phải, về phía khóa nòng. Cấu hình này không cản trở việc bắn, mặc dù thiết kế của bộ chọn chế độ bắn có vấn đề. Giải pháp thiết kế này cho phép báng súng được gấp lại sang bên phải khi ống ngắm quang học được gắn phía bên trái.
Một doanh nghiệp lớn khác của Bulgaria nằm ở thành phố Sopot, là Vazovski Mashinostroitelni Zavodi (VMZ Sopot). Nhà máy này sản xuất nhiều loại đạn pháo, bao gồm đạn súng cối, đạn pháo 122mm và 152mm, đạn xe tăng 125mm, tên lửa 122mm cho hệ thống rocket phóng loạt Grad, đạn phóng rocket cho súng chống tăng SPG-9 và súng phóng lựu RPG-7, và các bệ phóng (bao gồm cả RPG-22); tên lửa Fagot, Konkurs, Metis, Factoria ATGM và tên lửa S-8KOM cho máy bay tấn công và trực thăng.
Nói cách khác, chỉ có hai nhà máy này đã sản xuất một lượng lớn đạn dược mà Ukraine cần để duy trì hoạt động của lô súng ống từ thời Liên Xô. Mặc dù vậy, danh sách sản xuất còn có nhiều cơ sở khác của Bungari, như công ty nhà nước TEREM - nơi đã khởi động lại dây chuyền sản xuất đạn 122mm bị ngừng hoạt động từ năm 1988.
Theo Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho biết hồi tháng 1, các chuyến hàng vũ khí từ Bulgaria đã bắt đầu được chuyển đi từ giữa tháng 4/2022 sau khi ông đến thăm Sofia.
Ông Kuleba khi đó nói với tờ Die Welt của Đức: “Chúng tôi biết Bulgaria sở hữu một lượng lớn đạn dược mà Ukraine cần, vì vậy, tôi được cử đến để thu mua các vật liệu cần thiết".
Ông Kuleba cũng nói thêm rằng, Thủ tướng Bulgaria khi đó là Petkov đã khẳng định Sofia không cung cấp trực tiếp vũ khí cho Ukraine mà cho phép các bên trung gian bán cho các đối tác của họ ở Ukraine hoặc các quốc gia thành viên NATO, đồng thời mở các tuyến hàng không với Ba Lan và các tuyến đường bộ qua Romania và Hungary.