Theo đài RT (Nga), phát biểu sau cuộc bầu cử khu vực ở Lombardy, cựu lãnh đạo Italy Berlusconi tuyên bố rằng để Nga – Ukraine đi đến thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải ngừng tấn công hai khu vực ở vùng Donbass. Ông Berlusconi đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cùng với hai vùng lãnh thổ khác của Ukraine, đã bỏ phiếu sáp nhập Nga vào mùa thu năm ngoái.
Cựu lãnh đạo Italy nói thêm rằng để chấm dứt xung đột, ông Biden nên đề nghị Tổng thống Volodymyr Zelensky thực hiện Kế hoạch Marshall mới, với khoản ngân sách vài tỷ USD để tái thiết đất nước, nhưng chỉ với điều kiện ông Zelensky ra lệnh ngừng bắn vào ngày mai.
“Bắt đầu từ ngày mai, chúng ta sẽ không còn cung cấp USD và vũ khí cho Ukraine. Chỉ có điều đó mới có thể thuyết phục ông Zelensky đạt thỏa thuận ngừng bắn”, ông Berlusconi nói.
Sau tuyên bố này, Văn phòng Thủ tướng đương nhiệm Italy Giorgia Meloni nói rằng sự ủng hộ của Rome dành cho Kiev vẫn vững chắc.
Cựu thủ tướng Italy, chính trị gia phục vụ 4 nhiệm kỳ từ 1994 đến 2011, đã phát triển mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông thậm chí đã đến thăm Crimea hồi năm 2015 sau khi bán đảo này bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sáp nhập Nga, bất chấp các nước phương Tây từ chối công nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, ông Berlusconi đã thúc giục Moskva và Kiev ngừng bắn. Đồng thời, cựu Thủ tướng Italy cũng đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên. Hồi tháng 11/2022, Berlusconi tuyên bố rằng ông có thể thuyết phục Tổng thống Nga Putin ngồi vào bàn đàm phán.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vào thời điểm đó cho biết Moskva hoan nghênh mọi nỗ lực kiến tạo hòa bình, nhưng ông lưu ý rằng sẽ tốt hơn nếu ông Berlusconi thuyết phục Tổng thống Ukraine Zelensky.
Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin hôm 11/2 đã đưa ra điều kiện để nối lại các vòng đàm phán với đại diện Ukraine.
“Đúng vậy, theo thông lệ, mọi cuộc xung đột đều sẽ chấm dứt thông qua đàm phán. Như tôi đã nói trước đó, chúng tôi sẵn sàng nối lại đối thoại với phía Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này sẽ chỉ được tiếp tục nếu Ukraine từ bỏ những yêu cầu của họ. Thêm vào đó, đàm phán với Ukraine sẽ chỉ diễn ra theo hướng phù hợp với tình hình thực tế”, ông nói.
Ông Vershinin đồng thời cáo buộc các nước phương Tây, trong đó có Mỹ cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã can thiệp và tác động vào quyết định đàm phán tại Kiev.
Về phần mình, phía Ukraine hồi tháng 1 cho biết nước này không phản đối đối thoại với Nga nếu đối thoại dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế.
Thư ký báo chí Tổng thống Ukraine, ông Sergei Nikiforov khẳng định: “Ukraine không từ chối đàm phán, nhưng chúng tôi muốn nói rằng các cuộc đàm phán nên dựa trên một số nguyên tắc nhất định, đó là các nguyên tắc phổ quát tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thượng tôn pháp luật”.