Văn phòng Tổng công tố Ai Cập ngày 13/7 cho biết đang tiến hành điều tra các cáo buộc chống lại Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi cùng các thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và của đảng Tự do và Công lý (FJP) - nhánh chính trị của MB.Hàng chục ngàn người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi ở thủ đô Cairo, Ai Cập ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn nhật báo Al Ahram cho biết, các nhân vật gồm ông Morsi, thủ lĩnh tinh thần tối cao của MB Mohamed Badie, cựu thủ lĩnh tinh thần tối cao của MB Mahdy Akef, Phó Chủ tịch đảng Tự do và Công lý Essam El-Erian bị điều tra về một số cáo buộc như làm gián điệp, sát hại người biểu tình, kích động bạo lực và sở hữu vũ khí.
Ông Morsi và 33 thủ lĩnh cấp cao của MB cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra khác liên quan đến vụ vượt ngục trong làn sóng nổi dậy lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011. Vụ việc này được cho là có sự giúp sức của phong trào Hezbollah) của Lebanon, phong trào Hamas của Palestine và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở bán đảo Sinai.
Cùng ngày 13/7, hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập dẫn lời Thủ tướng lâm thời Hazem El-Beblawi cho biết nội các mới của Ai Cập dự kiến sẽ được thành lập vào giữa tuần tới, gồm 30 thành viên cùng 2 phó thủ tướng phụ trách kinh tế và an ninh. Một số bộ trưởng hiện nay sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ trong nội các mới. Ông El-Beblawi cũng cho biết bộ thông tin sẽ được giữ nguyên bất chấp có nhiều yêu cầu giải tán bộ này nhằm giảm bớt hạn chế đối với các phương tiện truyền thông và thúc đẩy tự do ngôn luận, đồng thời bác bỏ tin đồn liên quan đến việc xóa bỏ các chương trình trợ cấp của chính phủ.
Theo tiết lộ của MENA, Ngoại trưởng Mohamed Kamel Amr, người từng đệ đơn từ chức hồi đầu tháng nhằm ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ, đã đề nghị không tham gia nội các mới. Các nguồn tin chính thức cho biết cựu Đại sứ Ai Cập tại Mỹ Nabil Fahmy có thể sẽ được bổ nhiệm giữ chức ngoại trưởng. Trong khi đó, chính trị gia cánh tả Godah Abdel Khalik, người từng giữ chức Bộ trưởng Cung ứng vào năm 2011, và chính trị gia người Công giáo Mounir Fakhry Abdel Nour dự kiến sẽ được đề nghị điều hành Bộ Cung ứng và Bộ Đầu tư.
Trong một diễn biến khác, các thành viên Hội đồng Shura (tức Thượng viện Ai Cập) đã ra bác bỏ tính hợp pháp của các quyết định được đưa ra sau khi quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, trong đó có việc giải thể cơ quan này. Trong một tuyên bố, họ khẳng định hiến pháp cũ vẫn còn hiệu lực, quân đội không có quyền hủy bản hiến pháp đã được người dân Ai Cập thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức công bằng và tự do. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp của Shura cũng đã tham gia biểu tình yêu cầu quân đội phục chức cho ông Morsi và kêu gọi các cơ quan lập pháp khác trên thế giới không công nhận nhà lãnh đạo mới do quân đội hậu thuẫn.
Cũng trong ngày 13/7, Đại học Hồi giáo Al-Azhar, thể chế có quyền năng cao nhất của dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập, đã lên án các vụ tấn công mới đây nhằm vào lực lượng an ninh trên bán đảo Sinai. Trong một tuyên bố chính thức, Al-Azhar kêu gọi kêu gọi mọi người bảo vệ an ninh của đất nước và chống lại mọi âm mưu "gạt quân đội ra khỏi nghĩa vụ quốc gia". Trong khi đó tại thủ đô Tunis của Tunisia, hàng trăm người đã tham gia biểu tình tại đại lộ Bourguiba và trước cửa Đại sứ quán Ai Cập, lên án cuộc "đảo chính quân sự" tại Ai Cập, ủng hộ MB và kêu gọi phục chức tổng thống cho ông Morsi.
Kể từ khi ông Morsi bị phế truất, các tay súng Hồi giáo tại bán đảo Sinai thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh. Trong tuần qua, ít nhất 10 cảnh sát đã bị sát hại. Hãng thông tấn MENA cho biết 5 đối tượng khủng bố đã bị tiêu diệt vào sáng 13/7 trong một chiến dịch an ninh ở bán đảo Sinai.
TTXVN/Tin tức