Vụ việc trên là đỉnh điểm của tranh cãi pháp lý kéo dài, được xem như một bài kiểm tra đối với năng lực thực thi pháp quyền của đất nước Nam Phi trong thời kỳ hậu apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc).
Theo tờ Al Jazeera, người phát ngôn cảnh sát Nam Phi Lizandzu Themba xác nhận trong một tuyên bố ngày 7/7 (theo giờ địa phương) rằng ông Zuma, người giữ chức Tổng thống Nam Phi từ năm 2009-2018, đang bị cảnh sát bắt giam theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp vào tuần trước.
Tòa án đã kết án ông Zuma 15 tháng tù giam vì tội chống lệnh của tòa hồi tháng 2 về cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng trong suốt 9 năm ông cầm quyền. Cuộc điều tra này được lãnh đạo bởi Phó Chánh án tòa Tối cao Raymond Zondo.
Trước đó, cảnh sát đã phát tín hiệu họ sẽ bắt giữ ông Zuma vào cuối ngày 7/7 nếu ông không trình diện. Hàng trăm người ủng hộ, một số vũ trang súng, dao và khiên, đã tụ tập gần nhà nghỉ nông thôn của ông Zuma ở Nkandla, miền đông Nam Phi, để tìm cách ngăn cản vụ bắt giữ. Tuy nhiên cuối cùng, cựu Tổng thống 79 tuổi đã quyết định lặng lẽ nộp mình cho nhà chức trách.
Một đoàn xe được cho là chở ông Zuma đã phóng khỏi nhà ông với tốc độ cao, chỉ khoảng 40 phút trước hạn chót để ông nộp mình.
Trong một thông báo trên Twitter, đại diện của ông Zuma cho biết: “Xin lưu ý rằng cựu Tổng thống Zuma đã quyết định tuân thủ lệnh giam giữ”. Tuyên bố này đánh dấu lần đầu tiên đội ngũ của ông Zuma hợp tác với tòa án.
Việc ông Zuma bị bắt giam là một cú ngã đau đối với một cựu chiến binh đáng kính của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), người từng bị nhà cầm quyền da trắng bỏ tù vì tham gia cuộc đấu tranh phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid.
Cựu Tổng thống Zuma đã phủ nhận cáo buộc về tình trạng tham nhũng lan tràn trong những năm ông cầm quyền. Hôm 4/7, ông đưa ra một tuyên bố chỉ trích các thẩm phán và khởi động những thách thức pháp lý chống lại lệnh bắt giữ ông.
Các luật sư của ông Zuma đã đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ lệnh bắt giữ trong khi chờ kết quả xử lý những khiếu nại pháp lý của ông đối với án tù 15 tháng. Tuy nhiên, yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Ông Jacob Zuma bị buộc thôi nhiệm vào năm 2018 và được thay thế bởi ông Cyril Ramaphosa, sau 9 năm cầm quyền bị phủ bóng bởi những vụ bê bối tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Các nhà chỉ trích thậm chí còn đặt biệt danh cho ông là “Tổng thống chống dính” vì khả năng né tránh công lý của ông.
Hiện nay Ủy ban Zondo đang điều tra các cáo buộc rằng ông Zuma đã cho phép ba doanh nhân gốc Ấn Độ là Atul, Ajay và Rajesh Gupta cướp đoạt tài nguyên của bang và gây ảnh hưởng đối với chính sách của chính phủ. Cựu Tổng thống Zuma và anh em nhà Gupta, hiện đã chạy trốn đến Dubai sau khi Zuma mất quyền lực, đều phủ nhân mọi hành vi sai trái.
Ông Zuma cũng đối mặt với một vụ việc pháp lý riêng biệt, liên quan đến thỏa thuận vũ khí trị giá 2 tỉ USD vào năm 1999 khi ông còn là phó tổng thống. Zuma đã phủ nhận cáo buộc này, khẳng định ông là nạn nhân của cuộc “săn lùng phù thủy” và Thẩm phán Zondo có thành kiến với ông.
Bất chấp danh tiếng đã bị hoen ố, cựu Tổng thống Zuma vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể trong số các quan chức và thành viên cấp cơ sở của ANC. Cuối tuần trước ông nói với những người ủng hộ mình rằng sẽ xảy ra hỗn loạn nếu cảnh sát “dám” bắt ông.