Theo kênh Al Jazeera ngày 2/1, phát biểu với tập đoàn truyền thông Đức Funke, ông Hans-Lothar Domrose nói: “Tôi dự báo rằng vào mùa hè, cả hai bên sẽ nói rằng điều này sẽ chẳng đi đến đâu. Thời điểm dễ xảy ra tình trạng bế tắc như vậy nhất là từ tháng 2 đến tháng 5. Đó sẽ là thời điểm để đàm phán ngừng bắn”.
Tuy nhiên, ông Domrose nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là hòa bình. Ông nói: “Các cuộc đàm phán có thể sẽ mất nhiều thời gian, các bên cần một người hòa giải”. Ông Domrose cho rằng người hòa giải có thể là Tổng thư ký Liên hợp quốcAntonio Guterres hoặc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev đang cân nhắc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận kế hoạch hòa bình cho Ukraine vào cuối tháng 2. Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh: “Liên hợp quốc có thể là nền tảng tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này”, qua đó để ngỏ khả năng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đóng vai trò trung gian cho các cuộc hòa đàm.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định: “Mọi cuộc chiến đều kết thúc do kết quả của những hành động trên chiến trường và tại bàn đàm phán”.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia trong tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra một kế hoạch hòa bình hướng tới chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.
Về phần mình, phản ứng với đề xuất trên của ông Kuleba, Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky tuyên bố việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là bất khả thi.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông Guterres sẵn sàng đóng vai trò này chỉ khi tất cả các bên, gồm cả Nga, nhất trí với điều đó.
Mới đây, ngày 22/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho biết Kiev và các nước phương Tây đã từ chối tham gia đàm phán.
Tổng thống Putin cũng đã khẳng định Nga mong muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và chắc chắn sẽ cần phải có giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Ông Putin nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là đẩy nhanh guồng máy xung đột quân sự, mà trái lại là chấm dứt cuộc chiến hiện nay. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt”.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần khẳng định: tăng cường các hành động thù địch sẽ dẫn đến những tổn thất phi lý. Mọi cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng cách này hay cách khác thông qua một số hình thức đàm phán ngoại giao. Dù sớm hay muộn, các bên xung đột cũng sẽ ngồi lại với nhau và đạt được một thỏa thuận”.
Kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine tháng 2/2022 đến nay, nhiều vòng đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine đã diễn ra nhưng chưa đạt được bước đột phá nhằm chấm dứt xung đột.