Trong suốt chuyến thăm, các cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Argentina Alberto Ángel Fernández, Tổng thống Chile Gabriel Boric và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva được tổ chức trong không khí cởi mở với mong muốn sẵn sàng cùng nhau vượt qua những quan điểm khác biệt để thúc đẩy hợp tác hơn nữa, đặc biệt là về kinh tế, năng lượng và nguyên liệu thô.
Nhiều năm qua, Đức có truyền thống duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp nhưng không quá tham vọng với cả 3 quốc gia Mỹ Latinh. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, chính phủ liên minh hiện nay ở Đức muốn giảm nhanh chóng sự phụ thuộc vào Nga cũng như Trung Quốc. "Đa dạng hóa quan hệ kinh tế, năng lượng" là cụm từ đã trở nên thông dụng và được thảo luận rộng rãi tại Đức trong suốt thời gian qua. Và khu vực Mỹ Latinh, nhất là 3 quốc gia Argentina, Chile và Brazil, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu thực hiện chủ trương này.
Một trong những trọng tâm thảo luận giữa Thủ tướng Đức và các nhà lãnh đạo Argentina và Brazil là nhanh chóng đạt sự nhất trí chung về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Sau hơn 20 năm đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận năm 2019, nhưng cho đến nay văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn do gặp phải rất nhiều chỉ trích, đặc biệt là vấn đề bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Thời gian qua EU đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm từ các khu vực phá rừng.
Với chuyến thăm cấp cao này, Chính phủ Đức muốn thực hiện nỗ lực mới để "làm sống lại" hiệp định đã ký thông qua các thỏa thuận bổ sung. Điều kiện chính trị hiện tại được cho là chưa bao giờ thuận lợi hơn. Các quốc gia MERCOSUR hy vọng có thể hưởng lợi từ những biến động địa chính trị quốc tế và thay đổi chính sách năng lượng của châu Âu, từ đó giúp họ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế; trong khi Đức và EU cũng đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác tin cậy cho tương lai. Nhưng theo chuyên gia Detlef Nolte từ Viện nghiên cứu GIGA của Đức, thời gian đang rất cấp bách, nếu không hoàn tất trong năm nay, hiệp định "có thể sẽ không bao giờ thành công".
Hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác, hiệp định này được coi là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế xuất khẩu của Đức. Hơn 12.000 doanh nghiệp Đức đã và đang xuất khẩu sang MERCOSUR nhận thấy thị trường bán hàng khổng lồ này có thể được sử dụng tốt hơn nữa nếu FTA được phê chuẩn. Hiệp định sẽ tạo ra một thị trường tự do với hơn 750 triệu người, chiếm gần 20% tổng sản lượng kinh tế và 31% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu. Đó cũng là lý do tháp tùng Thủ tướng Olaf Scholz trong chuyến công du này là lãnh đạo hàng chục tập đoàn công nghiệp lớn của Đức.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian, FTA giữa EU và MERCOSUR, cũng như các hiệp định với Mexico và Chile, cần phải sớm được phê chuẩn. Nếu không, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh, đặc biệt là so với Mỹ và Trung Quốc. Cùng quan điểm trên, ông Ulrich Ackermann, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của Hiệp hội các nhà sản xuất máy và thiết bị Đức (VDMA) cho rằng trong một thời gian dài, Chính phủ Đức đã không chú ý nhiều tới Mỹ Latinh, bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với khu vực quan trọng này. Do đó chuyến thăm này rất quan trọng, Chính phủ Đức cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc hợp tác với khu vực này trước khi quá muộn.
Hợp tác về năng lượng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô cũng là một trong những trọng tâm chính của chuyến công du. Tại Argentina, 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng đã được ký kết. Một thỏa thuận tương tự cũng được ký tại Chile. Phía Đức thể hiện sự quan tâm lớn trong việc thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo, phát triển hydro xanh với cả 3 quốc gia, và cả khí đốt hóa lỏng với Argentina. Những điều này cũng là định hướng của chính phủ các nước Nam Mỹ trong thời gian tới. Tổng thống Fernández cho biết Argentina muốn "trở thành nhà sản xuất khí đốt an toàn trên thế giới" và mở rộng công suất hiện có. Argentina có một trong những mỏ khí đá phiến lớn nhất thế giới, nhưng việc khai thác gặp nhiều khó khăn và thiếu cơ sở hạ tầng để phân phối trong nước cũng như xuất khẩu. Việc hợp tác chặt chẽ với Đức sẽ giúp Argentina khắc phục những khó khăn này.
Đối với quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới như Đức, bên cạnh nguồn cung năng lượng, nguồn nguyên liệu thô bền vững và an toàn luôn được coi trọng. Từ khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra, điều này lại càng trở nên cấp bách. Do đó, chuyến công du của Thủ tướng Đức tới Nam Mỹ cũng được nhiều chuyên gia coi là "chuyến đi tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thô", nhất là lithium. Berlin muốn tiếp cận nguồn dự trữ lithium khổng lồ ở Argentina và Chile để phục vụ ngành công nghiệp ô tô điện.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, khoảng 57% trữ lượng lithium trên thế giới nằm ở "tam giác quốc gia lithium" Nam Mỹ là Argentina, Bolivia và Chile. Tuy nhiên, so với Trung Quốc và Mỹ, "quốc gia ô tô" Đức đang tụt lại phía sau trong việc tìm kiếm và đầu tư khai thác để đảm bảo nguồn cung lithium lâu dài. Cho đến nay, Trung Quốc đã khai thác và nhập khẩu lithium nguyên liệu trên quy mô lớn từ khắp nơi trên thế giới, sau đó chế biến và xuất khẩu lại dưới dạng sản phẩm tinh chế. Chuyên gia kinh tế Carl Moses từ Buenos Aires cho rằng so với Trung Quốc và nhiều nước khác, Đức vẫn chưa hiện diện nhiều trong "tam giác quốc gia lithium" Nam Mỹ.
Để khắc phục điều này, trong chuyến thăm, Đức và Chile đã ký thỏa thuận hợp tác về quan hệ đối tác trong khai thác mỏ, nguyên liệu thô và nền kinh tế tuần hoàn. Nhiều dự án hợp tác khai thác chung hứa hẹn sẽ được mở rộng hoặc sớm được triển khai mới. Tại Argentina, hai bên cũng thảo luận việc nhập khẩu lithium và một số nguyên liệu khác như đồng, quặng sắt... Với nguồn dự trữ lithium khổng lồ, Chile và Argentina hứa hẹn sẽ là nhà cung cấp quan trọng loại nguyên liệu này cho "nhu cầu không bao giờ cạn" của nền công nghiệp Đức.
Chuyến công du của Thủ tướng Olaf Scholz một lần nữa cho thấy Đức đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, tăng cường thiết lập đối tác năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung nguyên liệu thô, qua đó đa dạng hóa lợi ích của Đức ở Mỹ Latinh và ngược lại. Giới chuyên gia nhận định dù sẽ có không ít khó khăn trong việc triển khai các dự án cụ thể, nhưng những thỏa thuận vừa được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mà nếu được tận dụng tốt, những lợi ích mà cả hai bên thu được sẽ không hề nhỏ.