Phó Giáo sư Pradumna B. Rana thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) mới đây đã có bài viết nhận định rằng với việc Mỹ và Trung Quốc đang kìm kẹp lẫn nhau trong cấu trúc kinh tế hiện nay, khả năng tiến tới một "Hiệp định Bretton Woods mới" là có cơ sở.
Theo ông Rana, Hiệp định Bretton Woods - tròn 70 năm tuổi hồi tháng 7 vừa qua - đã thiết lập các thể chế để thúc đẩy quy định và trật tự trong quan hệ kinh tế quốc tế, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thúc đẩy sự ổn định kinh tế vĩ mô, GATT (tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO) nhằm bảo đảm môi trường thương mại mở, và Ngân hàng Thế giới (WB) để cấp vốn phát triển giảm đói nghèo.
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt Hội đồng Xã hội và Kinh tế LHQ (ECOSOC) với các thể chế Bretton Woods và các cơ quan của LHQ tại New York ngày 14/4.Ảnh:THX/TTXVN |
Sự vận hành trơn tru của cấu trúc kinh tế toàn cầu dựa trên quy tắc do Mỹ dẫn đầu này đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chưa từng có trên khắp thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, thời gian gần đây cấu trúc đó đã mất đi nhiều tính hợp pháp của nó khi tỷ lệ thương mại và GDP của các thị trường mới nổi, đặc biệt ở châu Á, đã gia tăng nhanh chóng hơn tỷ lệ hạn ngạch của chính họ trong IMF. Chẳng hạn như Trung Quốc hiện chiếm 13,6% kinh tế toàn cầu (dựa trên sức mua tương đương) song sức mạnh biểu quyết của Bắc Kinh chỉ là 3,8%, ít hơn cả nhóm ba nước "Benelux" (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg).
Ban điều hành IMF và Washington đã có những nỗ lực cần thiết khi đưa ra đề xuất gọi là "cuộc cải tổ quản trị cơ bản nhất trong lịch sử 65 năm của tổ chức" vào tháng 10/2010. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ giảm tỷ lệ hạn ngạch không cân xứng ở IMF, thực hiện cam kết của G20 chuyển 6% hạn ngạch cho các nền kinh tế đang nổi năng động và giúp Trung Quốc có tiếng nói lớn thứ ba ở IMF. Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đề xuất này vẫn không được Quốc hội nước này thông qua.
Hậu quả của tiến trình cải tổ quản trị IMF chậm trễ này là việc chuyển cấu trúc kinh tế toàn cầu, từ tập trung hóa sang phi tập trung hóa với các thể chế khu vực đang được thành lập để cung cấp hàng hóa công song song với các thể chế toàn cầu "lão làng". Tình hình hiện nay càng trở nên khó khăn hơn nữa bởi sự phát triển của cấu trúc do Trung Quốc dẫn đầu ở châu Á. Việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) gần đây của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và việc Quỹ đầu tư hạ tầng châu Á (AIIF) sắp được thành lập, phần lớn do Trung Quốc cấp vốn, là những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn đóng một vai trò lớn hơn trong kinh tế toàn cầu. Những thể chế được thành lập nhằm cấp các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng này là sáng kiến mới do nó đang thiếu trong cấu trúc toàn cầu hiện tại.
Tuy nhiên, những động thái gần đây của Trung Quốc cũng phản ánh sự thất vọng của Bắc Kinh khi không thể có được tiếng nói lớn hơn ở IMF và WB.
Tuy cấu trúc khu vực do Trung Quốc dẫn đầu ở châu Á không tạo ra mối đe dọa thực sự với IMF, WB hay ADB, nhưng nó làm phức tạp hơn việc quản trị cấu trúc toàn cầu. Vấn đề này có thể được giải quyết nếu IMF và WB có thể hợp tác với các thể chế khu vực do Trung Quốc dẫn đầu theo hướng bổ sung và gắn kết.
Mô hình "cải tổ", với các gói cứu trợ được thiết lập, cấp vốn và giám sát chung bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ủy ban châu Âu và IMF là một ví dụ tốt. Song, ít có khả năng một cách tiếp cận như vậy được đưa ra ở châu Á. Châu Âu, chiếm 10/24 ghế trong ban lãnh đạo IMF và có tiếng nói lớn thứ hai ở IMF nên có vai trò quan trọng hơn so với châu Á ở IMF. Nếu như vậy, sau 70 năm người ta sẽ cần một "Thỏa thuận Bretton Woods mới" do một nhóm được chọn lọc từ các quốc gia có tầm quan trọng về mặt hệ thống của thế giới chứ không phải một nhóm cấu thành G20 đứng đầu.
Việt Hải