Trong một phát biểu ngày 18/12, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald Trump về vấn đề Ukraine và Nga, đã lên án vụ ám sát tướng Igor Kirillov ở Moskva.
Ông cho rằng đây là “một quyết định hoàn toàn không khôn ngoan” của Kiev.
Tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng phòng vệ phóng xạ, hóa học và sinh học của Nga, đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại Đông Nam Moskva vào sáng 17/12. Theo nhà chức trách Nga, nghi phạm người Uzbekistan đã bị bắt giữ, được cho là do tình báo Ukraine tuyển mộ và nhận tiền để thực hiện vụ tấn công.
Trả lời phỏng vấn Fox News vào ngày 18/12, ông Kellogg cho biết vụ ám sát có thể sẽ không làm gián đoạn các cuộc đàm phán hòa bình mà ông Trump hy vọng sẽ tổ chức sau khi nhậm chức vào tháng tới.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: “Có những quy tắc chiến tranh, và có những việc mà bạn không nên làm. Khi bạn sát hại các sĩ quan cấp cao như tướng hay đô đốc ngay tại quê hương họ, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang leo thang tình hình. Theo quan điểm của tôi, đây hoàn toàn không phải là một ý tưởng hay”.
Sau vụ ám sát, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã đưa ra cảnh báo cứng rắn rằng “tất cả những người ra quyết định của NATO” từ các quốc gia hỗ trợ Ukraine “có thể và nên được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga”.
Ông Kellogg, cựu Trung tướng trong Lục quân Mỹ, xác nhận với Fox News rằng ông sẽ đến Kiev vào tháng tới trong một nhiệm vụ “tìm hiểu thực tế” trước lễ nhậm chức của ông Trump. Dù không có kế hoạch đến Moskva, ông vẫn để ngỏ khả năng này, theo một thông tin của Bloomberg.
Là người từng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, ông Kellogg được Tổng thống Trump chỉ định làm đặc phái viên hồi tháng trước. Trong tuyên bố trên mạng xã hội, ông Trump nhấn mạnh ông Kellogg sẽ giúp “đảm bảo hòa bình thông qua sức mạnh và làm cho nước Mỹ cũng như thế giới an toàn một lần nữa”.
Trước đó, vào tháng 6, ông Kellogg từng nói với hãng tin Reuters rằng ông đã khuyên ông Trump sử dụng viện trợ quân sự như một công cụ đòn bẩy để buộc Moskva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán.
Ông khẳng định: “Chúng ta nói với Ukraine rằng các bạn phải tham gia đàm phán, nếu không, sự hỗ trợ từ Mỹ sẽ chấm dứt. Và chúng ta cũng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông phải tham gia đàm phán, nếu không, chúng ta sẽ cung cấp mọi thứ mà Ukraine cần trong cuộc xung đột”.
Mặc dù ông Trump nhiều lần hứa hẹn sẽ chấm dứt xung đột trong vòng một ngày sau khi nhậm chức, ông chưa đưa ra kế hoạch chi tiết để thực hiện mục tiêu này.
Về phía Moskva, chính phủ Nga khẳng định mọi giải pháp hòa bình phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng các hoạt động quân sự và công nhận “thực tế lãnh thổ” rằng Kiev sẽ không bao giờ giành lại được Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia và Crimea.
Đồng thời, Moskva nhấn mạnh rằng các mục tiêu của chiến dịch quân sự, bao gồm việc đảm bảo Ukraine trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, sẽ được thực hiện.
Vụ ám sát tướng Kirillov có thể chỉ là một trong những sự kiện làm tăng thêm căng thẳng, khiến con đường đến hòa bình trở nên khó khăn hơn.
Liệu những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống đắc cử Trump có thể xoay chuyển tình thế hay không vẫn là một câu hỏi lớn đối với cộng đồng quốc tế.